Cùng chống chọi với một kẻ thù vô hình, mọi quốc gia trên thế giới đều đã trải qua hơn 18 tháng chiến đấu vất vả. Nếu coi đại dịch Covid-19 là cuộc chiến, thì mỗi nước đang có một chiến lược khác nhau, theo Straits Times.
Tại Australia, nhiều thành phố lớn như Sydney, Melbourne hay Brisbane đều áp đặt lệnh phong tỏa ngay khi phát hiện một vài ca mắc mới. Nhờ cách tiếp cận nghiêm ngặt này, Australia đã ghi nhận hơn 64.000 ca mắc và 1.053 ca tử vong.
Ngược lại, Vương quốc Anh đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch và chấp nhận sống chung với virus corona. Nước này liên tục tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn, bao gồm giải quần vợt Wimbledon, giải bóng đá Euro và giải bóng đá Ngoại hạng Anh.
Một phụ nữ ở Ấn Độ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Từ những đám đông không đeo khẩu trang, mỗi ngày Anh ghi nhận hơn 40.000 ca mắc Covid-19. Tương tự, nhiều nước ở châu Âu cũng đưa cuộc sống trở lại bình thường giữa lúc dịch bệnh không suy giảm. Với họ, đây là cái giá của bình thường mới.
Nhật Bản cũng tổ chức thế vận hội Olympic Tokyo, nhưng đề cao quyết tâm phòng chống dịch. Họ coi đây là sự động viên tinh thần cho cả thế giới, vốn đã mệt mỏi sau nhiều tháng sống chung với dịch bệnh.
Sau hơn 18 tháng, đây là lúc thế giới cùng đánh giá các chiến lược chống dịch khác nhau, theo Straits Times.
Kết quả chống dịch
Nếu mục tiêu là cứu sống nhiều sinh mạng, thì những nơi làm tốt nhất là những nơi thường xuyên phong tỏa, phòng dịch nghiêm ngặt với các biện pháp như xét nghiệm, truy vết mầm bệnh và tiêm chủng toàn dân.
Trung Quốc đại lục, New Zealand, Australia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc là những ví dụ điển hình. Các quốc gia này đều ghi nhận dưới 100 ca tử vong trên mỗi một triệu người.
Ngược lại, những quốc gia có cách tiếp cận mềm mỏng thường ghi nhận tỷ lệ tử vong cao. Khu vực châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh, có từ 500 đến 2.000 trường hợp tử vong trong mỗi một triệu bệnh nhân Covid-19.
Một người đi qua tấm biển hiệu in hình virus corona. Ảnh: AP. |
Nhưng nếu mục tiêu là bảo toàn cả mạng sống và nền kinh tế, thì những nước nào đã làm tốt?
Mỹ và hầu hết quốc gia ở châu Âu đều nuôi tham vọng như vậy. Song họ không tránh khỏi những tổn thất nặng nề ở cả hai phương diện.
Trên thực tế, những khu vực bị phong tỏa chặt chẽ lại giữ mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, cụ thể là : Đài Loan (3,1%), Trung Quốc (2,3%) và New Zealand (1%).
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu và Mỹ chứng kiến một nền kinh tế ảm đạm dù đã mất đi nhiều sinh mạng. Ví dụ cụ thể là nền kinh tế Anh giảm 9,8%, Pháp giảm 8,1%, Đức giảm 4,9% và Mỹ giảm 3,5%.
Những số liệu trên cho thấy một quốc gia dốc sức để cứu sống mạng người không nhất thiết phải trả giá bằng thiệt hại kinh tế.
Giờ đây, vaccine đã trở thành vũ khí hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Với nhiều quốc gia, câu hỏi mới là làm thế nào để dần khôi phục nền kinh tế, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh.
Để thành công trong giai đoạn hậu vaccine, thế giới có lẽ cần áp dụng những bài học, rút ra từ kinh nghiệm chống dịch suốt 18 tháng qua.
Ba bài học
Đầu tiên, không có chiến lược nào là hoàn hảo và phù hợp với mọi quốc gia.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung từng miêu tả chiến lược chống dịch của nước này là “trung lập”, khi không nghiêm ngặt nhất mà cũng không cởi mở nhất. Đây có lẽ là cách tiếp cận an toàn trước một tình huống chưa từng có tiền lệ.
Thứ hai, dù không có cách tiếp cận chung, nhưng thế giới phải nắm được một vài nguyên tắc quan trọng.
Trên tạp chí Journal Of Global Health, giáo sư Igor Rudan từ Đại học Edinburgh của Vương quốc Anh nhận định các quốc gia châu Âu thường phản ứng quá chậm chạp trước đại dịch.
Ông Rudan bình luận các nước châu Âu thường chống dịch một cách bị động, thay vì chủ động đón đầu. Ngoài ra, chiến lược chống dịch của họ cũng không hề nhất quán. Do đó, các nước này thường chịu tổn thất nặng nề, cả về nhân mạng và kinh tế.
Ngược lại, những nước chống dịch thành công đều làm tốt công tác dự đoán tình hình. Các nước này cũng đưa ra chiến lược có tính chắc chắn và đồng bộ. Đây tiếp tục là những yếu tố quan trọng khi thế giới bước vào giai đoạn khôi phục nền kinh tế.
Thứ ba, thế giới cần chú ý tác động của đại dịch đối với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo.
Trong nghiên cứu mới nhất do Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore công bố, những nhóm người này chịu thiệt hại nặng nề nhất khi mất đi việc làm và thu nhập.
Do đó, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, các quốc gia cần nỗ lực hơn để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương. Thế giới cần đảm bảo họ được hưởng lợi từ những cơ hội việc làm, các gói hỗ trợ từ chính phủ.
Suốt 18 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của sự quan tâm. Đây là lúc mọi người chăm lo cho nhau, không phân biệt sắc tộc, quốc tịch, tuổi tác, hay tầng lớp xã hội. Trong giai đoạn mới, điều này sẽ không thay đổi.
Đến nay, thế giới ghi nhận tổng cộng 219 triệu ca mắc và 4,55 triệu ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.