Avatar giành ngôi vương phòng vé toàn cầu vào năm 2009 và giữ danh hiệu phim có doanh thu cao nhất suốt một thập kỷ, trước khi bị Avengers: Endgame vượt qua vào cuối tuần trước. Nhưng siêu phẩm của đạo diễn James Cameron chưa bao giờ được xem là biểu tượng văn hóa đại chúng giống như Star War hay Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU).
Tác phẩm đạt doanh thu gần 2,79 tỷ USD được ca ngợi nhờ kỹ xảo hình ảnh bậc thầy, và kỹ thuật làm phim của đạo diễn Cameron cũng được đánh giá là tạo ra một cuộc cách mạng tại Hollywood. Nhưng sau vài năm, Avatar hiếm khi được nhắc đến, có chăng nó chỉ xuất hiện trong những bài viết nói về những bộ phim có khả năng đạt doanh thu kỷ lục.
Avatar giữ kỷ lục doanh thu phòng vé suốt 10 năm. Ảnh: 20th Century Fox. |
Doanh số đồ chơi ăn theo Avatar cũng không mấy ấn tượng. Vậy tại sao "nhà chuột" vẫn đầu tư một khoản kinh phí lớn cho 4 tập kế tiếp của Avatar? Trên thực tế, Disney không phải hãng đầu tiên bật đèn xanh thực hiện kế hoạch đầy mạo hiểm này.
"James Cameron không bao giờ thất bại"
"Thủ phạm" chính là 20th Century Fox. Trong 10 năm qua, 20th Century Fox và đạo diễn James Cameron liên tục nói về chuyện mở rộng thương hiệu Avatar. Tuy nhiên, dự án liên tục bị trì hoãn, ngày phát hành dự kiến bị lùi lại nhiều năm.
Năm 2017, đạo diễn Cameron tuyên bố Avatar 2 sẽ ra rạp vào tháng 12/2020. Nhưng thời điểm phát hành lại thay đổi sau vụ Disney mua lại Fox năm 2019.
"Disney không thực sự cần loạt phim Avatar. Nhưng chắc chắn đạo diễn James Cameron là người mà bạn cần", CNBC dẫn lời Jeff Bock, nhà phân tích phòng vé cấp cao của Exhibitor Relations, cho biết.
Đạo diễn lừng danh Cameron được xem là "ông vua phòng vé" với những tác phẩm vô cùng ăn khách. Các bộ phim của ông đã bán được tới 6,14 tỷ USD tiền vé trên thị trường toàn cầu. Hai trong số năm bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay thuộc về Cameron. Đó là Avatar và Titanic.
"Khi nói về doanh thu phòng vé, James Cameron không bao giờ thất bại", chuyên gia Block nhấn mạnh.
Sức hút của Avatar nằm ở công nghệ do đạo diễn Cameron sử dụng để quay phim và tạo ra kỹ xảo. Avatar được quay bằng Fusion Camera System, hệ thống quay phim kỹ thuật số do chính Cameron và Vince Pace tạo ra.
Avengers: Endgame dẫn đầu top 5 phim có doanh thu phòng vé cao nhất từ trước đến nay. Đạo diễn James Cameron thực hiện hai trong số đó: Avatar và Titanic. Ảnh: CNBC. |
Các hệ thống quay phim trước đây sử dụng hai camera, vì các nhà làm phim cho rằng bộ não con người xử lý thông tin từ các phía khác nhau. Một phần bộ não sẽ xử lý chuyển động hình ảnh, phần còn lại xử lý những gì có trong hình ảnh đó.
Cameron và Pace phát minh hệ thống máy quay ghi lại hình ảnh như mắt người. Kết quả là rất ngoạn mục, được minh chứng qua doanh số bán vé. Chuyên gia Shawn Robbin, trưởng bộ phận phân tích của Boxoffice.com, cũng cho biết 80% số vé Avatar bán ra thuộc định dạng 3D, đắt hơn vé 2D thông thường.
Công nghệ bắt hình động từng được sử dụng để khắc họa Gollum trong Lord of the Rings cũng được đạo diễn Cameron sử dụng thuần thục trong Avatar. "Ông ấy là người cầu toàn và tỉ mỉ. Đó là lý do mọi người yêu thích phim của ông ấy. Bài học mà tôi rút ra là đừng bao giờ nghi ngờ James Cameron", ông Shawn Robbin nhấn mạnh.
Avatar được đề cử 9 giải Oscar năm 2010 và thắng 3 giải, bao gồm chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc, quay phim xuất sắc và hiệu ứng hình ảnh xuất sắc.
Thành tựu công nghệ và yếu tố rủi ro
Đạo diễn Cameron từ lâu đã tiết lộ rằng phần tiếp theo của Avatar sẽ lấy bối cảnh dưới lòng đại dương hành tinh Pandora. "Ông ấy đã dành 10 năm qua để hoàn thiện kỹ thuật quay phim dưới nước. Ông ấy sẽ làm bùng nổ trí óc khán giả và chỉ riêng việc khơi dậy trí tò mò sẽ giúp phim kiếm về 1 tỷ USD", chuyên gia Bock quả quyết.
Ngoài ra, định dạng 3D và IMAX đã trở nên cực kì phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Đừng quên rằng Avatar đã kiếm tiền chủ yếu từ các thị trường nước ngoài: 2,03 tỷ USD trong số 2,79 tỷ USD tổng doanh thu.
Trung Quốc sẽ là thị trường lớn và quan trọng đối với 4 phần tiếp theo của Avatar. Giới phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ để trở thành thị trường phim lớn nhất ngay trong năm nay. Năm ngoái, Trung Quốc thu về 8,87 tỷ USD từ các phòng vé, còn Mỹ đạt 11 tỷ USD.
Đồ chơi ăn theo từ bom tấn Avatar. Ảnh: 20th Century Fox. |
Avengers: Endgame kiếm được hơn 614 triệu USD tại quốc gia tỷ dân, còn Fate of the Furious bỏ túi 392 triệu USD. Để so sánh, 10 năm trước Avatar đạt doanh thu khoảng 204 triệu USD ở Trung Quốc.
Dù vậy, Disney đối mặt với khá nhiều rủi ro khi đưa Avatar trở lại màn ảnh rộng. Jim Silver, CEO của trang đánh giá đồ chơi trực tuyến TTPM, chỉ ra ba yếu tố cần có để một bộ phim thành công về mặt thương mại.
Thứ nhất, khán giả có tình cảm gắn bó với các nhân vật. Hãy nhìn vào Iron Man hay Han Solo. Một số lượng lớn người hâm mộ sẵn sàng mua các sản phẩm ăn theo như đồ chơi, áo phông, cốc cà phê có hình ảnh các nhân vật này.
Thứ hai, trang phục nhân vật có thể trở thành trang phục hóa trang như áo giáp Stormtrooper, váy vàng của Belle, gươm ánh sáng của Luke Skywalker, lưỡi câu của Maui... Thứ ba, phim cần có một nhân vật phản diện ấn tượng như Darth Vader, Thanos hay Joker. "Avatar không có bất cứ yếu tố nào trong số đó", ông Silver phân tích.
"Khi bộ phim ra mắt, mọi người bị cuốn hút bởi hình ảnh hoành tráng của nó. Nhưng tôi nghĩ sự kết nối của khán giả với Avatar chỉ tập trung vào yếu tố kỹ xảo chứ không phải là câu chuyện hay nhân vật", CNBC dẫn lời Paul Dergarabedian, nhà phân tích truyền thông cấp cao tại Comscore, nhận định.
10 năm chuốt nội dung phim
Dù vậy, đạo diễn Cameron có tới 10 năm để trau chuốt kịch bản Avatar 2. Các nhân vật chính của phần đầu đều sẽ quay trở lại. Do đó, rất có thể khán giả yêu điện ảnh từng không quá quan tâm đến chuyện tình của Jake Sully và Neytiri sẽ tìm thấy nhiều cảm xúc hơn ở Avatar 2.
Giới phân tích cũng cho rằng nếu đạo diễn Cameron xây dựng được một nhân vật phản diện ấn tượng hơn so với thượng tá Miles Quaritch của phần một, Disney sẽ có đủ điều kiện để sản xuất một dòng đồ chơi ăn theo thực sự ăn khách.
Khách du lịch vui chơi trong công viên Pandora: The World of Avatar. Ảnh: Getty Images. |
Trên thực tế, "nhà chuột" đã khai thác thương mại từ thương hiệu Avatar trong vài năm qua. Khu vui chơi Pandora: The World of Avatar - khu vực mở rộng của Disney's Animal Kingdom ở Orlando, Florida (Mỹ) - mở cửa đón khách du lịch từ năm 2017.
Bên trong, du khách có thể tham gia những trò chơi như Avatar Flight of Passage và Na’vi River Journey, cũng như mua áo thun, băng đô Na'vi và các đồ chơi theo chủ đề Avatar. Disney mở công viên này trước khi mua lại 20th Century Fox.
Thành công của các phần Avatar kế tiếp sẽ thổi một luồng gió mới vào công viên này, giúp tăng lượng khách tham quan. Gần đây, Disney kiếm lời tốt từ công viên Toy Story Land tại Orlando và Star Wars: Galaxy Edge Park ở California. Công viên Galaxy Edge thứ hai sẽ đón du khách tại Orlando từ tháng 8.
Đạo diễn Cameron sẽ cầm trịch hai phần tiếp theo của Avatar. Tuy nhiên, có khả năng ông sẽ lùi về ghế sản xuất ở phần 4 và phần 5. Điều này không còn xa lạ với James Cameron. Cha đẻ Avatar từng trực tiếp thực hiện 2 phần đầu của Terminator và đảm nhận vai trò sản xuất trong những phần còn lại.
"Disney không phải mạo hiểm bất cứ điều gì với Avatar 2 và Avatar 3. Nhưng Avatar 4 và Avatar 5 sẽ là những khoản đầu tư có nhiều rủi ro", chuyên gia Bock nhận định.