"Theo luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia đều có quyền thực hiện tự do hàng hải và tự do hàng không trên Biển Đông. Tôi hiểu rằng Mỹ chỉ đơn giản là đang thực hiện quyền này như họ đã thực hiện và đây là một hoạt động thường xuyên", Ngoại trưởng Julie Bishop trả lời đài ABC ngày 11/5.
Bình luận trên được đưa ra sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường U.S.S. William P. Lawrence của Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam.
Ngoại trưởng Julie Bishop. Ảnh: AP |
Hoạt động của tàu U.S.S. William P. Lawrence ngày 10/5 là lần thứ 3 Mỹ đi qua khu vực này trong vòng một năm trở lại đây, nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông đồng thời thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sau khi tàu chiến của Hải quân Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiến đấu cơ và chiến hạm của Trung Quốc đã xuất kích.
Phía Trung Quốc cũng ngang nhiên gọi cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của tàu USS William P. Lawrence là "mối đe dọa phi pháp với hòa bình và chỉ làm cho sự hiện diện của các thiết bị phòng vệ trong khu vực này trở nên cần thiết".
Khu vực đá Chữ Thập và các thực thể Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: Wall Street Journal |
Theo Reuters, Australia thể hiện quan điểm nhất quán trong việc ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo và bồi lấp phi pháp.
Đầu năm nay, Australia từng lên tiếng ủng hộ việc Mỹ điều tàu khu trục tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và nhấn mạnh Washington đang duy trì luật pháp quốc tế.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne, Australia có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các tàu và máy bay của Australia cũng sẽ tiếp tục thực hiện các quyền theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải và hàng không, bao gồm trên Biển Đông.