Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop nhấn mạnh thời điểm và cách thức Trung Quốc thông báo thiết lập ADIZ "không phù hợp trong bối cảnh căng thẳng khu vực hiện nay, và sẽ không giúp gì cho ổn định khu vực". Bộ trưởng Bishop nêu rõ Australia phản đối "mọi hành động đơn phương và mang tính ép buộc nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông", đồng thời Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ngày 25/11 đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến để bày tỏ những quan ngại của Chính phủ Australia và đề nghị Bắc Kinh giải thích về quyết định này.
Bà Julie Bishop. |
Trong thông báo ngày 23/11 về việc thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Trung Quốc nêu rõ quy định tất cả các máy bay qua lại vùng này phải báo trước về kế hoạch chuyến bay, duy trì liên lạc trong quá trình bay và tuân thủ những chỉ dẫn của nhà chức trách Trung Quốc.
Thông báo này của Trung Quốc đã gây phản ứng mạnh từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tokyo tuyên bố không chấp nhận vùng ADIZ bao trùm cả quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkakus và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trong khi đó, Seoul phản đối vì cho rằng ADIZ của Trung Quốc bao trùm một khu vực có diện tích 20 km x 115 km ở phía tây đảo Jeju của Hàn Quốc.
Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc thiết lập vùng phòng không trên, cho đây là động thái gây căng thẳng trong khu vực và ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và tân Thủ tướng Australia Tony Abbott hy vọng ký hiệp định tự do thương mại (FTA) với Bắc Kinh trong vòng một năm tới. Tuy nhiên, Washington vẫn là đồng minh chủ chốt của Canberra, trong khi Ngoại trưởng Australia Bishop tháng trước cho biết chính phủ mới ở Canberra tiếp tục coi Nhật Bản là "bạn tốt nhất" của mình ở châu Á.