Số liệu từ Cục Khí tượng Australia (BOM) công bố sáng ngày 27/12 cho thấy nắng nóng nghiêm trọng dự kiến trải dài qua các khu vực New South Wales, miền đông Victoria và Tasmania trong 3 ngày tới.
Channel New Asia đưa tin nắng nóng gay gắt được dự báo ảnh hưởng đến Sydney, thủ phủ bang New South Wales, nơi có mức nhiệt đạt đến ngưỡng 37 độ C vào ngày 29/12 và duy trì mức nhiệt khoảng 30 độ C cho đến giao thừa. Sau đó, mức nhiệt cao nhất tại đây sẽ giảm xuống còn 26 độ C trong những ngày đầu năm 2017.
Không khí ngột ngạt ở Australia trong một đợt nắng nóng. Ảnh: AFP. |
Các phương tiện truyền thông Australia cũng lưu ý đến vấn đề cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Ngày 27/12, tờ Daily Telegraph đưa tin 28 vụ cháy trên khắp New South Wales. Sáng cùng ngày, BOM cũng ban hành cảnh báo nhấn mạnh “điều kiện thời tiết gây cháy rừng đang diễn biến xấu đi” do thời tiết “nóng dần lên” ở nam Australia.
Nắng nóng cực đoan được dự báo sẽ xuất hiện ở gần khu vực bờ biển phía bắc New South Wales với nhiệt độ ban ngày lên đến 40 độ C trong ngày 29/12 và 41 độ C vào ngày kế tiếp.
Cơ quan khí tượng nước này cho biết nắng nóng cực đoan là hiện tượng “hiếm gặp và đặc biệt dữ dội”, ảnh hưởng đến năng lượng hay giao thông, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Những người khỏe mạnh cũng có thể bị ảnh hưởng nếu không có biện pháp tránh nóng thích hợp.
Thời tiết nắng nóng được cho là sẽ còn xuất hiện tại khu vực đông bắc New South Wales và đông nam Queensland, bao gồm Brisbane, cho đến những ngày cuối của tuần đầu năm mới.
Trước đó, Karl Braganza, nhà theo dõi khí hậu của BOM, nói rằng một số đợt nắng nóng kỷ lục mà nước này đã trải qua trong thời gian gần đây được dự báo sẽ trở thành hiện tượng bình thường trong khoảng 30 năm tới. Thay đổi khí hậu ở nước này được cho là do sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhiệt độ ở Australia đã tăng lên khoảng 1 độ C kể từ năm 1910. Thời gian, tần số và cường độ của các đợt nắng nóng cũng tăng lên, với số ngày có nền nhiệt đạt 35 độ C gia tăng trong những thập kỷ gần đây, ngoại trừ khu vực miền Bắc nước này.