Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Australia gửi công hàm lên LHQ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Đại diện phái đoàn Australia ở Liên Hợp Quốc gửi công hàm bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

Công hàm ký ngày 23/7 nêu rõ "chính phủ Australia bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, cụ thể là, các tuyên bố trên biển không tuân thủ theo các luật lệ (của UNCLOS) về đường cơ sở, khu vực trên biển và việc phân loại các thực thể".

Australia cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về cái mà Bắc Kinh gọi là "các quyền lịch sử" hoặc "các quyền và lợi ích hàng hải" được thiết lập trong "quá trình thực hiện lịch sử lâu dài" ở Biển Đông.

Chính phủ Australia cũng nêu rõ Toà Trọng tài Thường trực năm 2016 đã ra phán quyết rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS, và vì sự không nhất quán đó nên chúng không hợp lệ.

Australia bac bo yeu sach Trung Quoc anh 1

Trực thăng của quân đội Australia hạ cánh trên tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ ở Biển Philippines. Mỹ, Nhật Bản và Australia đang có hoạt động diễn tập ở Biển Đông tuần này. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia.

Theo Australia, không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hàng hải hoặc nhóm đảo trên Biển Đông. Australia bác bỏ mọi yêu sách đối với vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên những đường cơ sở thẳng đó.

Australia cũng bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc với các khu vực hàng hải được tạo ra trên bởi thực thể ngập nước hoặc nền đất cao lúc chìm lúc nổi (low tide elevation) theo cách không phù hợp với UNCLOS.

Theo công hàm của Australia, các hoạt động xây dựng hoặc các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi việc phân loại một thực thể theo UNCLOS. Không có cơ sở pháp lý nào cho một thực thể hàng hải được hưởng những quy chế hàng hải ngoài những quy chế được UNCLOS tạo ra cho thực thể đó ở trạng thái tự nhiên.

Cụ thể, chính phủ Australia không chấp nhận việc các thực thể được biến đổi nhân tạo có thể có được trạng thái của một hòn đảo theo Điều 121 của UNCLOS.

Chính phủ Australia cũng không chấp nhận khẳng định của Trung Quốc trong ghi chú ngày 17/4 rằng chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là "được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế".

Việt Nam nhiều lần nêu rõ rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc và luật Biển 1982.

Sau công hàm hôm 17/4 của Trung Quốc gửi tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố công hàm này trái với luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Công hàm của Australia cũng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này không chịu ràng buộc pháp lý của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài.

Công hàm ngày 23/7 được Đại diện phái đoàn Australia ở Liên Hợp Quốc gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, phản hồi lại các công hàm và thư từ từ phía Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia - tất cả bắt nguồn từ công hàm ngày 12/12/2019 của Phái đoàn thường trực Malaysia.

Tàu chiến Australia chạm trán hải quân Trung Quốc trên Biển Đông

Tàu chiến Australia trên đường đến khu vực tập trận cùng hải quân Mỹ đã đi qua Biển Đông và đối mặt tàu hải quân Trung Quốc, giữa thời điểm quan hệ hai nước đang căng thẳng.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm