Australia luôn tìm cách che giấu các hoạt động mua bán vũ khí quốc tế. Chính phủ thường từ chối yêu cầu cung cấp thông tin về các thỏa thuận vũ khí, bao gồm xuất khẩu vũ khí sang các nước như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế.
Trong số các thỏa thuận bí mật, có nhiều giao dịch mua bán vũ khí giá trị lớn như hạm đội tàu ngầm mới trị giá 50 tỷ USD. Điều này khiến Australia trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo Guardian.
Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố hôm 30/9 cho thấy Australia hiện là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Saudi Arabia. Năm 2018, nước này mới đứng thứ tư.
Tàu ngầm được thiết kế bởi công ty DCNS của Pháp. Ảnh: DCNS. |
Khi được hỏi tại sao không công bố tài liệu về các thỏa thuận này, nhà ngoại giao cấp cao Australia Graham Fletcher nói: "Nếu công bố thông tin, thiệt hại vật chất có thể không đáng kể nhưng vấn đề là mối quan hệ của chúng tôi với Nhật Bản sẽ bị tổn hại".
"Nếu chúng tôi lờ đi sự phản đối hoặc coi thường của họ và sau đó tiết lộ thông tin, thì theo tôi, mối quan hệ giữa hai nước sẽ bị hủy hoại. Điều này sẽ gợi lại một số sự kiện nhạy cảm trong lịch sử mà chúng tôi hy vọng có thể để quá khứ ngủ yên", ông nói thêm.
Vào năm 2015, Thượng nghị sĩ Nick Xenophon và người kế nhiệm Rex Patrick đã cố gắng tìm kiếm các tài liệu cho thấy Australia ký thỏa thuận mua bán tàu ngầm với công ty DCNS của Pháp.
Theo một nhà ngoại giao, quyết định này khiến chính phủ Nhật Bản, vốn coi công ty DCNS là đối thủ, cảm thấy khó chịu. Hậu quả là "mối quan hệ Australia - Nhật Bản rơi vào trạng thái bấp bênh một thời gian".