“Họ (Trung Quốc) không có chung mục tiêu với Australia ở Nam Cực”, Thủ tướng Scott Morrison nhận định, theo AFP hôm 22/2.
Theo kế hoạch, Australia sẽ dành ra ngân sách 575 triệu USD cho 10 năm để giúp nước này có được “đôi mắt ở Nam Cực”.
Gần một nửa ngân sách 575 triệu USD của Australia sẽ được dùng để cải thiện khả năng di chuyển trên các vùng nội địa, vẽ bản đồ vùng phía đông hẻo lánh của Nam Cực từ trên không bằng drone, và mua 4 trực thăng hạng trung.
Thủ tướng Scott Morrison thông báo khoản ngân sách mới vào hôm 22/2. Ảnh: Reuters. |
Australia cũng sẽ dành ngân sách mới cho một số dự án môi trường, bao gồm 5 triệu USD cho công tác nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với dải băng ở Nam Cực, cũng như hỗ trợ các nước Thái Bình Dương theo dõi mực nước biển dâng.
Theo AFP, Canberra tuyên bố chủ quyền đối với 42% diện tích Nam Cực, mức lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, Australia còn thiếu năng lực tiếp cận các vùng xa xôi của Nam Cực. Do đó, một số người lo ngại khoảng trống ấy có thể bị Bắc Kinh và Moscow tận dụng vì hai nước này cũng đang ngày càng tích cực hoạt động tại đây.
Bắc Kinh đã xây dựng hai trạm nghiên cứu quanh năm ở Nam Cực, trong khi mức chi của Trung Quốc cho các chương trình ở Nam Cực có xu hướng tăng đều.
Dù vậy, cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vẫn kém xa so với Mỹ. Washington có sự hiện diện lớn nhất tại Nam Cực, với khoảng 1.400 nhân sự làm việc tại ba trạm nghiên cứu quanh năm trong giai đoạn trước đại dịch.
Trong một báo cáo gần đây, Viện Chính sách Chiến lược Australia cảnh báo Nam Cực đã trở thành khu vực của “cạnh tranh chiến lược”. Từ đó, báo cáo đề xuất cần có các bước để đảm bảo lệnh cấm hoạt động khai thác và quân sự.