Bên cạnh các doanh nghiệp Việt, thị trường bán lẻ hơn 90 triệu dân vài năm qua là cuộc cạnh tranh khốc liệt của 5 đại siêu thị ngoại: Big C, MM Mega Market, Auchan, Lotte Mart và Aeon Mall.
Ngày 14/5, “ông lớn” Pháp Auchan đã tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam, bán sới toàn bộ 18 cửa hàng cho doanh nghiệp nội địa. Lý do phía Auchan đưa ra là tình hình kinh doanh không khả quan từ áp lực của các hình thức bán lẻ hiện đại.
Vậy số phận các ông lớn đại siêu thị ngoại khác ở Việt Nam ra sao?
Đại gia hiếm hoi báo lãi
Chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 nhưng phải đến 5 năm sau, Aeon mới bắt đầu khai trương 2 trung tâm mua sắm đầu tiên là Aeon Mall Celadon (Tân Phú, TP.HCM) và Aeon Mall Canary (Bình Dương). Trong năm đầu tiên vận hành mô hình này, Aeon Việt Nam thu về gần 1.300 tỷ đồng và báo lỗ 112 tỷ đồng.
Năm 2015 và 2016, Aeon tiếp tục mở thêm Aeon Long Biên (Hà Nội) và Aeon Bình Tân (TP.HCM). Từ đây, kết quả kinh doanh được cải thiện. Doanh thu năm 2016 đạt 3.883 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 54 tỷ đồng.
Đến năm 2017, Aeon Việt Nam ghi nhận doanh thu 5.136 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tiếp tục tăng đến con số 234 tỷ đồng - gấp hơn 4 lần năm trước đó.
Hôm 25/2, tại buổi gặp mặt Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính Aeon Masaki Suzuki, cũng cho biết trong năm 2018, Aeon Việt Nam đạt doanh thu khoảng 800 triệu USD, tạo việc làm cho 6.000 người và liên kết với hơn 2.500 công ty của Việt Nam tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa.
Chuỗi trung tâm thương mại Aeon Mall tăng trưởng doanh thu đều đặn qua các năm. Ảnh: Aeon Việt Nam. |
Ông Masaki Suzuki cũng tiết lộ Aeon xem Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á và có kế hoạch mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Trước mắt, 2 trung tâm thương mại mới sẽ được mở ở Hải Phòng và Hà Đông (Hà Nội).
Đơn vị này cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống Aeon đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.
Lỗ lũy kế hàng trăm tỷ, Lotte vẫn đặt tham vọng mở rộng
Trong khi đó, Lotte Mart cũng công bố mức doanh thu khoảng 5.793 tỷ đồng trong năm 2018 với 11 siêu thị và 2 đại siêu thị, tăng trưởng 7,9% so với năm trước đó.
So với doanh thu khoảng 30 tỷ đồng trong 2 năm đầu hoạt động 2007-2008 thì quy mô hoạt động của tập đoàn bán lẻ đến từ Hàn Quốc đã tăng gần 200 lần sau 10 năm.
Dù liên tục báo lỗ, Lotte Mart vẫn mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. |
Tăng trưởng tích cực, tuy nhiên, theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi PwC, đến hết năm 2017, Lotte vẫn lỗ lũy kế 800 tỷ đồng.
Giải thích về con số này, ông Jeong Seong Won, Giám đốc tài chính Lotte Việt Nam, đưa ra một số nguyên nhân, trong đó có việc một số trung tâm thương mại của Lotte chưa đạt kết quả kinh doanh mong đợi.
Hơn nữa, tập đoàn đang mở rộng quy mô, và mỗi trung tâm thương mại cần hoạt động trung bình từ 5-8 năm mới có thể hòa vốn. Lotte Mart đã chi hơn 8.913 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, vị trí mặt bằng chiến lược và trang thiết bị hiện đại.
Mặc dù vậy, trước tiềm năng thị trường rộng lớn, Lotte Mart vẫn liên tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thông qua các hoạt động xây mới hoặc mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm phủ sóng 60 trung tâm mua sắm khắp cả nước đến năm 2020.
Những đại gia ngoại ngã ngựa tại Việt Nam
Auchan Retail kinh doanh không mấy khá khẩm trong suốt 5 năm tại thị trường Việt Nam. Mức doanh thu năm 2018 chỉ đạt khoảng 45 triệu euro. Do đó, hôm 14/5, hãng bán lẻ hàng đầu của Pháp tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam.
Theo thông tin từ đại diện công ty này, có hơn 2 doanh nghiệp đang đàm phán mua lại hệ thống 18 siêu thị của Auchan. Trong thời gian chờ thương thảo, Auchan sẽ đóng cửa 15 siêu thị tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh.
Chỉ 3 siêu thị tại TP.HCM được duy trì hoạt động bao gồm 2 siêu thị ở quận 7 là Auchan Crescent Mall và Auchan Era, cùng Auchan Hoàng Văn Thụ ở quận Tân Bình.
Auchan đang đàm phán với nhiều hơn 2 đối tác để nhượng lại hệ thống 18 siêu thị tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Auchan Việt Nam. |
Chưa bỏ cuộc như Auchan nhưng MM Mega Market và Big C cũng liên tục gặp khó từ sau khi đổi chủ.
Sau khi Metro rút lui và sang nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh cho tập đoàn TCC, đầu năm 2016, chuỗi bán sỉ này thay đổi nhận diện thương hiệu và đổi tên thành MM Mega Market.
Từ đó, kết quả kinh doanh của hệ thống đại siêu thị này càng tệ hại hơn. Cuối năm 2016, doanh thu của chuỗi chỉ đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm trước khi Metro Cash & Carry chuyển giao lại vào năm 2013. Mức doanh thu này chỉ tương đương với doanh thu năm 2010 khi số trung tâm Metro chỉ bằng một nửa hiện tại.
Doanh thu giảm mạnh, công ty cũng tiếp tục hành trình thua lỗ. Trong năm 2016, MM Mega Market báo lỗ 110 tỷ đồng, tương đương mức lỗ hàng năm của Metro trong giai đoạn trước đó.
Hiện tại, MM Mega Market đang sở hữu 19 đại siêu thị khắp cả nước và chưa chia sẻ kế hoạch phát triển trong tương lai.
Còn nhắc tới Big C, đây là một trong những mô hình chuỗi đại siêu thị đầu tiên và lớn nhất Việt Nam với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng đều đặn qua các năm. Thế nhưng, từ sau khi về tay người Thái, hoạt động kinh doanh của Big C Việt Nam ngày càng đi xuống.
Từ một trong những chuỗi đại siêu thị lớn nhất Việt Nam, Big C tụt giảm doanh số và chưa có chiến lược đổi mới hiệu quả. Ảnh: Big C Việt Nam. |
Các doanh nghiệp chủ chốt của hệ thống Big C Việt Nam như Big C Thăng Long (gồm các siêu thị ở Hà Nội), Big C An Lạc (gồm một số siêu thị ở TP.HCM), Big C Hải Phòng (gồm Big C Bắc Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hạ Long), Big C Bình Dương hay Big C Đồng Nai đều ghi nhận mức doanh thu tụt giảm hoặc đi ngang.
Trong đó, Big C Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống Big C - đạt mức đỉnh doanh thu 3.500 tỷ vào năm 2012 sau đó tụt giảm xuống còn quanh mức 2.700 tỷ đồng trong các năm 2016, 2017.
Tương tự, doanh thu của Big C An Lạc cũng giảm 50% từ mức 2.600 tỷ năm 2012 xuống còn 1.300 tỷ trong năm 2017.
Thời gian qua, thị trường chứng kiến nhiều cái tên lớn rút lui như Maximark và Giant. Fivimart và Shop&Go cũng được bán lại cho Vingroup.
Chiến lược kinh doanh quyết định thành bại
Các chuyên gia bán lẻ nhận định, sự thành bại của các đại gia ngoại phần nhiều từ chiến lược kinh doanh, trong đó, quan trọng là sự am hiểu về khách hàng và văn hóa Việt.
Bà Bùi Huyền Trang, Giám đốc thị trường Việt Nam của Công ty Jones Lang LaSalle cho rằng để bắt kịp xu hướng, các dự án bán lẻ cần tập trung hơn trong việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới, trở thành địa điểm văn hóa, giải trí, trải nghiệm và trưng bày thay vì là nơi mua sắm đơn thuần như trước đây.
Trong khi Auchan, MM Mega Market hay Big C chậm điều chỉnh thì Aeon và Lotte đang xây dựng các mô hình đại siêu thị với các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu riêng cho thị trường Việt Nam, tập trung tích hợp nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí ngoài mua sắm.
Tổng giám đốc Aeon Việt Nam Yasuo Nishitghe cho biết “chúng tôi đã tăng doanh thu 60% nhờ tập trung vào văn hóa và thị hiếu Việt Nam”.
Theo Reuters, từ đầu năm 2018, tập đoàn Aeon bắt đầu quá trình tái cơ cấu hoạt động, tìm cách thay đổi hoàn toàn việc kinh doanh của hệ thống.
Bên cạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại và tích hợp công nghệ, một “nước cờ” khác của Aeon tại thị trường Việt Nam là chiến lược phát triển sản phẩm mang thương hiệu riêng, đặc biệt là các sản phẩm thời trang như quần áo, giày dép, túi xách và ví... Đến tháng 7/2018, Aeon đã phát triển gần 3.000 sản phẩm mang thương hiệu riêng ở 3 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Những sản phẩm này vừa được người Việt Nam tiêu thụ, vừa được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2018, giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam của Aeon là 250 triệu USD.
Chiến lược tương tự cũng được Lotte Mart và eMart áp dụng hiệu quả. Tại Việt Nam, hàng Việt chiếm khoảng 90-95% lượng hàng hóa trong các hệ thống siêu thị và đại siêu thị Lotte Mart toàn quốc. Đối với eMart, tỷ lệ này là 95%, theo chia sẻ của ông Choi Kwang Ho, Tổng giám đốc Emart Việt Nam.
Mô hình đại siêu thị với nhiều dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí ngày càng phát huy hiệu quả. |
Ngay cả Parkson, ông lớn Hàn Quốc đã phải đóng cửa một loạt siêu thị tại Hà Nội và TP.HCM cũng đang rục rịch thay đổi.
Sau hơn 10 năm chỉ bán hàng thời trang, mĩ phẩm cao cấp, Parkson bắt đầu thay đổi diện mạo, trở thành một trung tâm thương mại tích hợp nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí nhằm bắt kịp xu thế chung của ngành bán lẻ Việt Nam.
Cuộc đua bán lẻ vẫn còn tiếp diễn khi thị trường siêu thị quy mô lớn ở Việt Nam được dự báo tăng trưởng 14%/năm trong giai đoạn 2017-2022, vượt qua các quốc gia mới nổi khác như Ấn Độ, Philippines, hay cả thị trường lớn như Trung Quốc, theo báo cáo của IDG. Cơ quan này nhận định, điểm khác biệt của thị trường siêu thị Việt Nam so với các quốc gia kể trên là sự tăng trưởng chủ yếu đến từ doanh nghiệp ngoại.