Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ASIAD 17: 'Việt Nam xếp dưới Campuchia ở các môn Olympic'

Việc Campuchia giành được HCV Asian Games ở môn nằm trong chương trình Olympic, trong khi VN không làm được điều này là một trong những thất bại ở Asian Games 17.

Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng việc vận động viên Campuchia giành được HCV ở môn taekwondo nằm trong chương trình thi đấu Olympic, còn Việt Nam chỉ giành được tấm HCV ở môn wushu không nằm trong hệ thống Olympic cũng có thể xem là thất bại của đoàn TTVN tại Asian Games 17. Điều này cũng có nghĩa rằng nếu lấy tiêu chí Olympic làm thước đo thì Việt Nam còn xếp dưới cả Campuchia. Thậm chí, trong suốt 4 kỳ Asian Games gần đây, TTVN chưa từng giành được tấm HCV ở môn Olympic nào.


Thành công của những môn nằm trong hệ thống Olympic như cử tạ liệu có thể xem là thành công chung của đoàn TTVN? Ảnh: Getty Images.

Trong khi nhà báo Nguyễn Lưu hướng đến cái đỉnh là những tấm HCV thì chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, tập trung nhiều hơn đến sự vươn lên mạnh mẽ ở bề rộng. Theo ông Minh, khác biệt lớn nhất của đoàn TTVN tại Asian Games 17 chính là sự vươn lên mạnh mẽ của các môn thi đấu trong hệ thống Olympic.

Ông Minh phân tích: “Trước đây các môn võ luôn là chỗ dựa của thể thao Việt Nam tại Asian Games, nhưng tại giải lần này tổng số huy chương của các môn võ chỉ chiếm 1/3 toàn đoàn, 2/3 còn lại thuộc về các môn trong hệ thống Olympic”.

Trong thành tích chung đó, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đặc biệt ấn tượng với bơi lội, điền kinh, boxing, đấu kiếm và thể dục dụng cụ. Ông chia sẻ: “Đây là 5 môn thi đấu nằm trong hệ thống Olympic lần đầu tiên chúng ta đạt được huy chương tại Asian Games”.

Điều đó cho thấy thể thao Việt Nam đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ xu hướng chạy theo thành tích trước mắt, cạnh tranh trong khu vực ĐNA sang xu hướng đầu tư lâu dài theo các môn trong hệ thống Olympic để hướng đến sân chơi tầm châu lục và thế giới.

Ông Nguyễn Hồng Minh cũng cho rằng thành công thứ hai của đoàn TTVN tại Asian Games 17 chính là sự khẳng định việc đầu tư có trọng điểm cho các vận động viên ưu tú là hoàn toàn đúng đắn, chẳng hạn như trường hợp của Ánh Viên ( 2 HCĐ bơi lội) hay Thạch Kim Tuấn (HCB cử tạ)...


Phải chăng coi thành công của các môn nằm trong hệ thống Olympic chỉ là sự xoa dịu thất bại của đoàn TTVN tại Asian Games 17? Ảnh: Getty Images.
Không phủ nhận những thành công của đoàn TTVN tại Asian Games 17 nhưng ở góc nhìn của mình, nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng không nên tự an ủi bằng sự tiến bộ của các môn Olympic.

Ông Lưu nói: “Đã đi thi là phải hướng đến thành tích. Chúng ta đặt ra chỉ tiêu 2-3 HCV tại Asian Games 17 nhưng cuối cùng không thực hiện được. CHDCND Triều Tiên chỉ có 140 vận động viên, già nửa so với đoàn TTVN, mức đầu tư cho thể thao cũng khó lòng tương đương, nhưng họ đoạt 11 HCV, 11 HCB và 14 HCĐ. Còn Thái Lan xếp thứ 6 trên bảng tổng sắp huy chương (12 HCV, 7 HCB, 28 HCĐ), Việt Nam xếp thứ 21”.

Bài học mà thể thao Việt Nam cần phải rút ra từ CHDCND Triều Tiên là tinh thần khổ luyện và ý chí của các vận động viên. Còn thể thao Thái Lan rõ ràng đã làm tốt khâu xã hội hóa hơn Việt Nam rất nhiều.

Nhà báo Nguyễn Lưu đưa ra dẫn chứng: “Thể thao Thái Lan có sự kết hợp rất hài hòa giữa môn Olympic và phi Olympic. Họ đầu tư cho những môn trọng điểm, còn những môn tuy không nằm trong hệ thống Olympic nhưng vẫn được xã hội quan tâm thì huy động được nguồn tài trợ dồi dào”.

Trong khi đó, sự vươn lên của Campuchia cho thấy tuy thể thao Việt Nam đã xác định chuyển hướng đầu tư cho các môn Olympic nhưng cách làm của chúng ta vẫn có rất nhiều điều cần phải suy ngẫm.



Đó cũng là những quan điểm được chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đồng tình. Theo ông Minh, việc đào tạo vận động viên của Việt Nam vẫn chưa làm được tốt nhất có thể khâu giáo dục ý chí và tinh thần khổ luyện từ các nhà quản lý, các HLV cho đến các vận động viên.

Mặt khác, một trong những điều kiện căn bản của thể thao thành tích cao là cần có nguồn đầu tư rất lớn, điều được xem như bài toán khó tìm ra lời giải ở Việt Nam. Ông Minh nói: "Không thể có chuyện không đầu tư mà có các vận động viên giỏi được! Đầu tư từ khâu phát hiện, tuyển lựa, rồi bồi dưỡng, đào tạo và tập huấn dài hạn cả trong lẫn ngoài nước... Để có được một Quách Thị Lan (điền kinh) mỗi năm tỉnh Thanh Hóa tốn khoảng 70 tỷ đồng cho các hoạt động thể thao từ phong trào đến đỉnh cao. Hay như trường hợp của Lừu Thị Duyên (boxing), nếu như không có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Lào Cai rồi sau này là Tổng cục TDTT, sẽ không thể có ngày cô đoạt huy chương ASIAD".

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nói tiếp: "Các HLV, vận động viên giống như những người lính ra chiến trường, họ không thể quyết định được việc mình sẽ được đầu tư như thế nào, tập huấn ra sao. Đấy là công việc của các nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao".



Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng thất bại của các môn bắn súng, karate… tại Asian Games 17 đều xuất phát từ những sai sót chuyên môn. Ông phân tích về môn karate: "Năm 2002, chúng ta có 2 HCV của Vũ Thị Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc. Năm 2006 là tấm HCV của Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, đến năm 2010 là tấm HCV của Lê Thị Bích Phương. Vấn đề không phải là chúng ta không đầu tư, chúng ta đã thuê HLV người Iran thay thế cho HLV Lê Công nhưng tôi thấy khá thất vọng với vị chuyên gia này".

Khi sai sót liên tiếp xảy ra ở nhiều môn thi đấu khiến cho đoàn TTVN không đạt được chỉ tiêu 2-3 HCV thì điều này chắc chắn không thể chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh phong độ của vận động viên, mà còn phải nhìn nhận cả ở những khía cạnh khác như khả năng nắm bắt thông tin về đối thủ, tính toán điểm rơi, lựa chọn môn thi sở trường... của các nhà quản lý, huấn luyện. 

Vấn đề quan trọng nhất là thể thao Việt Nam cần nhìn thẳng vào thất bại để rút ra bài học thành công cho tương lai. Ảnh: Ngọc Linh
Vấn đề quan trọng nhất là thể thao Việt Nam cần nhìn thẳng vào thất bại để rút ra bài học thành công cho tương lai. Ảnh: Ngọc Linh

Vấn đề quan trọng nhất cả chuyên gia Nguyễn Hồng Minh và nhà báo Nguyễn Lưu đặc biệt nhấn mạnh là thể thao Việt Nam cần nhìn thẳng vào sự thật, rút ra những bài học nghiêm túc từ thất bại để hướng đến sự thành công hơn trong tương lai.

Bảng xếp hạng huy chương Asian Games cho đến 8h ngày 4/10
Bảng xếp hạng huy chương Asian Games cho đến 8h ngày 4/10.

Điều cả 2 vị chuyên gia đặc biệt tâm đắc là Asian Games 17 đã tiếp tục chứng kiến sự tỏa sáng của các tài năng trẻ như Quách Thị Lan (điền kinh), Lừu Thị Duyên (boxing)...

Đó là một sự khẳng định thể thao Việt Nam không thiếu tiềm năng nhưng đặt ra bài toán khó đối với các nhà làm thể thao là phải làm sao thực hiện thật tốt khâu tuyển chọn, luyện tập - giáo dục và đầu tư tập huấn chu đáo để họ có đủ khả năng vươn lên đỉnh cao.

Việt Nam: Số HCB giảm, chất lượng tăng

Sau ngày thi đấu 2/10, TTVN gần hoàn tất nhiệm vụ thi đấu. Tổng huy chương vượt 4 năm trước ở Quảng Châu nhưng số lượng HCB giảm đi, giảm cả số môn có thể hy vọng giành HCV.

Hoàng Minh

Bạn có thể quan tâm