Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết trong các ngày 17-18/01/2019, tại Chiang Mai, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị hẹp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN với sự tham dự của bộ trưởng Ngoại giao 10 nước và tổng thư ký ASEAN. Tại đây, các bộ trưởng đã rà soát tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thảo luận về triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 33 (tháng 11/2018), trao đổi về trọng tâm, ưu tiên hợp tác trong 2019 và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị.
Các nước ghi nhận hợp tác ASEAN tiếp tục tiến triển tích cực, tiến độ xây dựng cộng đồng được đẩy mạnh, hơn 80% dòng hành động được triển khai; kinh tế tăng trưởng, dự kiến năm 2018 đạt tốc độ trên 5%; vai trò trung tâm của ASEAN được tăng cường. Trước những tác động sâu rộng của cách mạng công nghiệp 4.0, ASEAN sẽ triển khai nhiều biện pháp để chủ động thích ứng, trong đó có sáng kiến xây dựng mạng lưới thành phố thông minh và an ninh mạng.
Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tại hội nghị. Ảnh: The Nation. |
Tiếp nối những kết quả này, hội nghị đã thống nhất với chủ đề “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì bền vững” của ASEAN 2019. Nhất trí sẽ triển khai nhiều sáng kiến, đề xuất trong các lĩnh vực hợp tác khác nhau. Theo đó, trong 2019, các nước sẽ đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm hoà bình, an ninh bền vững, ứng phó hữu hiệu với các thách thức phi truyền thống.
Về kinh tế, ASEAN ưu tiên thúc đẩy phát triển bền vững, liên kết kinh tế, nâng cao khả năng tận dụng thành quả CMCN 4.0, xây dựng một “ASEAN số”, kết nối vì một “ASEAN thông suốt”. Đồng thời, ASEAN sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức, giao lưu nhân dân, tăng cường phúc lợi xã hội và củng cố khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai…
Với bên ngoài, ASEAN sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm, xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, dung nạp và kết nối các chiến lược, sáng kiến hợp tác đang được triển khai trong khu vực.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, các bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục trao đổi về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực. Trong bối cảnh này, các bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhất trí thúc đẩy thương lượng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông hiệu lực, hiệu quả; trong đó có hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong 2019.
Về tình hình tại bang Rakhine, Myanmar, các bộ trưởng nhất trí ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar trong quá trình ổn định cuộc sống người dân, từng bước xây dựng hoà bình, ổn định và phát triển bền vững ở Rakhine. Các bộ trưởng cũng hoan nghênh những tiến triển tích cực trên bán đảo Triều Tiên, khẳng định ủng hộ bán đảo Triều Tiên hoà bình, ổn định, phi vũ khí hạt nhân.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại sự kiện. Ảnh: TTXVN. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh những tiến triển tích cực trong hợp tác ASEAN thời gian qua; đánh giá cao và bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Thái Lan, thực hiện thành công trong thúc đẩy các chủ đề Năm 2019, đồng thời đề nghị cần có tiếp nối, tạo đà vững chắc bảo đảm thành công cho tiến trình xây dựng cộng đồng.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN coi đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm là ưu tiên then chốt, xuyên suốt, định hướng cho mọi hoạt động. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn tiến sôi động, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam đề xuất ASEAN phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy phát triển sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, hợp tác xây dựng nhân lực chất lượng cao.
Về tình hình Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh dù đã có một số tiến triển, song tình hình thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng. Do đó, bộ trưởng đề nghị ASEAN duy trì đoàn kết, tiếng nói chung, nỗ lực đóng góp cho hoà bình, ổn định và an ninh khu vực trên cơ sở những nguyên tắc đã nhất trí, trong đó có tự kiềm chế và không quân sự hoá, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu đạt Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982.