Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ASEAN cần lên tiếng về Trung Quốc, xem lại nguyên tắc đồng thuận

ASEAN đã nhiều lần cho thấy họ không thể đạt được đồng thuận để lên án hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, nguyên tắc này cần phải được xem lại, theo các chuyên gia.

ASEAN cần lên tiếng về hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông tại hội nghị ở Bangkok với sự tham dự của ngoại trưởng các nước Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh nguyên tắc đồng thuận của ASEAN đang cho thấy sự hạn chế trước "các mối đe dọa và thực tế mới".

Một loạt các cuộc gặp ngoại giao sẽ diễn ra ở Bangkok, thủ đô Thái Lan, từ 29/7 đến 3/8, bao gồm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 (APT), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đều sẽ có mặt tại Thái Lan.

Không thể bỏ qua vấn đề Trung Quốc ở Biển Đông

Cho đến nay, ASEAN vẫn im lặng về việc các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7. Việt Nam đã mạnh mẽ lên án hành động của Trung Quốc, kêu gọi "các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung".

"Các tổ chức khu vực có ảnh hưởng như ASEAN và EU nên ra thông cáo bày tỏ quan ngại về diễn biến mới này, ít nhất là để Trung Quốc biết họ không dễ được bỏ qua mà không bị chú ý và trừng phạt", tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, trả lời Zing.vn trong một cuộc phỏng vấn.

asean len tieng ve bien dong anh 1
Các tàu cá rời cảng ở Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, hồi tháng 9/2012. Ảnh: Reuters.

Theo bản dự thảo tuyên bố sẽ được đưa ra tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN sắp tới mà báo Nikkei của Nhật có được, ASEAN sẽ bày tỏ quan ngại về các hành động "làm xói mòn lòng tin" và "gia tăng căng thẳng" của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngôn ngữ trong bản dự thảo thống nhất với tuyên bố chủ tịch tại hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 6.

"Ngôn ngữ như vậy sẽ cho thấy sự mạnh mẽ và rõ ràng nhắm vào Bắc Kinh", chuyên gia Koh nói. "Song ASEAN cũng tuyệt đối cần tránh để xảy ra chia rẽ nội bộ về ngôn ngữ và giọng điệu của một tuyên bố như vậy, vì điều này có thể làm giảm tác động của tuyên bố đối với các hành động của Trung Quốc".

Bốn trong 10 thành viên ASEAN (Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei) là các bên tranh chấp trên Biển Đông. Gần đây, các nước như Malaysia và Philippines đều đã chứng kiến những hành động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực.

Hồi tháng 6, tàu dân quân biển Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Philippines tại vùng biển gần bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), bỏ mặc 22 ngư dân trôi nổi trên biển. Những ngư dân này sau đó đã được một tàu cá Việt Nam cứu hộ. Vụ việc cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ tại Philippines.

Trước đó vào tháng 5, tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia tại bãi cạn Luconia, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ. Con tàu này cũng chính là một trong các tàu được điều đến bãi Tư Chính sau đó, hộ tống tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc.

"Các quốc gia ASEAN phải ý thức rất rõ về nguy cơ từ những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và phải đoàn kết, cùng nhau lên tiếng", nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trả lời Zing.vn.

Một quan chức Thái Lan đề nghị giấu tên nói với báo Bangkok Post hôm 27/7 rằng ASEAN sẽ cho phép các nước thành viên thảo luận những vấn đề gây quan ngại đang diễn ra, bao gồm tranh chấp trên Biển Đông.

"Chúng tôi sẽ dùng các diễn đàn để tìm cách giảm bớt căng thẳng, xây dựng lòng tin, tìm kiếm giải pháp khả thi," quan chức này nói.

asean len tieng ve bien dong anh 2
Tàu cá FB Gimver 1 của ngư dân Philippines được đưa vào bờ sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông hôm 9/6. Ảnh: AP.

Thách thức COC

Trong bài viết trên Maritime Issues hôm 22/7, ông Koh cũng nói giới tinh hoa chính trị ASEAN cần cảnh báo Bắc Kinh rằng bất cứ hành động cưỡng ép nào như vụ việc ở bãi Tư Chính, vốn đi ngược lại các nguyên tắc và luật lệ quốc tế đã được xác lập, đều sẽ đe dọa những thành tựu mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong hai năm đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) vừa qua.

"Sự kiện này nên là miếng giấy quỳ, phép thử cho tính trung tâm và vai trò quan trọng hãy còn tiếp tục của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực", chuyên gia Singapore nói.

Tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đặt lên bàn dự thảo đầu tiên của COC, dài 19,5 trang. Đến tháng 11 cùng năm, hai bên đi đến thống nhất sẽ hoàn thành COC trong vòng 3 năm, tính từ năm 2019.

Dù vậy, thời hạn này được xem là thách thức không nhỏ khi Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn đang bất đồng ở điểm mấu chốt nhất là COC rốt cuộc có tính ràng buộc về pháp lý hay không. Bắc Kinh không muốn điều này, trong khi nếu như vậy, COC sẽ trở thành một DOC (Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông) thứ hai, vốn đã cho thấy sự bất lực trước hành động của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng muốn đưa vào COC một số điều khoản sẽ khiến nhiều nước trong và ngoài Đông Nam Á không hài lòng. Điển hình nhất là họ muốn giới hạn quyền tiến hành các dự án chung chỉ cho Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, loại các tập đoàn năng lượng nước ngoài khỏi các dự án này.

Ngoài ra, Bắc Kinh khuyến khích các cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nhưng không bao gồm các hoạt động chung của 11 nước trong COC và bất kỳ quốc gia bên ngoài nào, nếu không có sự đồng thuận của 11 nước đó.

"Điều này về bản chất sẽ trao cho Trung Quốc quyền phủ quyết mọi hoạt động quân sự giữa Đông Nam Á với Mỹ hay Nhật hay Australia", Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak Singapore, phát biểu tại hội thảo về Biển Đông do CSIS tổ chức hôm 24/7.

"Gộp tất cả những điểm này lại, chúng ta thấy rằng Trung Quốc không xem họ là một thế lực bên ngoài tại ASEAN, nhưng lại muốn biến mọi nước khác thành thế lực bên ngoài", ông nhấn mạnh.

asean len tieng ve bien dong anh 3
Lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân đầu tiên giữa các nước ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 10/2018. Ảnh: VCG.

Nguyên tắc đồng thuận còn phù hợp?

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng việc đàm phán COC đã cho thấy nhiều khó khăn mà một trong số đó là sự đồng thuận yếu ớt của ASEAN. Dù đồng thuận được xem là nguyên tắc cốt lõi của ASEAN trong việc đối phó với các thách thức trên Biển Đông, lợi ích quốc gia khác nhau của từng nước thành viên đã làm hạn chế những nỗ lực hợp tác và liên kết khu vực.

"Điều này gây ra lo lắng rằng nguyên tắc đồng thuận của ASEAN không còn hiệu quả trước những thực tế an ninh mới, và rằng các thành viên khác có thể ủng hộ ý muốn của Bắc Kinh và khiến ASEAN không thể đưa ra quyết định", nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Quang, hiện làm việc tại Viện Khoa học xã hội Quốc tế tại Hà Lan, viết trên tạp chí Diplomat hồi tháng 6.

Lo lắng này không phải không có cơ sở. Tháng 7/2012, hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Phnompenh, Campuchia, không đưa được tuyên bố chung vì nước chủ nhà không đồng ý đưa vào phần nói tới tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Đến hội nghị cấp cao ASEAN tháng 4/2017 ở Manila, Philippines muốn tránh đề cập trong tuyên bố chung việc Trung Quốc bồi lấp đảo trái phép trên Biển Đông cũng như phán quyết của tòa quốc tế bác bỏ "đường lưỡi bò" phi lý của Bắc Kinh.

"Những sự việc này khiến nhiều người nhận ra rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại ASEAN là rất mạnh mẽ và cũng rất thật", ông Quang nói. "Và đã đến lúc ASEAN cần xem xét lại nguyên tắc đồng thuận của mình trước những mối đe dọa an ninh mới cũng như những thực tế mới".

Từng có tiền lệ về việc Việt Nam thuyết phục thành công các nước ASEAN cùng lên tiếng trước hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Đó là vào năm 1997 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Kan Tan 3 vào lô dầu khí 113 của Việt Nam ở khu vực ngoài khơi tỉnh Thừa Thiên - Huế.

"Việt Nam khi đó đã triệu tập đại sứ các nước ASEAN để giải thích vấn đề và ASEAN sau đó đã bày tỏ quan ngại về việc này. Trung Quốc rút giàn khoan vào ngày 1/4/1997, sau hơn 3 tuần", nhà nghiên cứu Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ), nói với Zing.vn.

asean len tieng ve bien dong anh 4
Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok, Thái Lan, hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, tình hình ASEAN hiện nay đã khác nhiều so với 20 năm trước. Thái Lan và Malaysia giữ cách tiếp cận an toàn và thực dụng trong vấn đề Biển Đông; Indonesia và Singapore có lập trường trung lập; Philippines đã cho thấy họ muốn xích lại gần Bắc Kinh.

"Chúng ta không thể trông cậy vào ASEAN như trước, nhưng Việt Nam có thể kêu gọi sự ủng hộ của các nước như Mỹ, Nhật và những nước muốn bảo vệ an ninh", ông Vuving nói.

Mỹ đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc đưa tàu đến khu vực bãi Tư Chính, nói Bắc Kinh "nên ngừng ngay hành vi bắt nạt nước khác và kiềm chế, tránh hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn".

Một viên chức bộ ngoại giao Mỹ đã xác nhận vấn đề Biển Đông sẽ được Mỹ thảo luận tại Bangkok, theo BBC.

Theo lịch trình dự kiến, các ngoại trưởng ASEAN sẽ nhóm họp với ngoại trưởng Trung Quốc vào ngày 31/7 và với ngoại trưởng Mỹ vào ngày hôm sau.

Dân quân biển - lực lượng giấu mặt nguy hiểm của TQ trên Biển Đông

Lực lượng dân quân biển "đóng vai trò lớn trong những hoạt động cưỡng ép để đạt các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu", theo báo cáo của Lầu Năm Góc.

Hành xử của TQ ở Biển Đông 'đi ngược mọi lời hứa hòa bình, hợp tác'

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói các nước trong, ngoài khu vực đều có lợi từ một Biển Đông tôn trọng pháp luật, và cần lên tiếng phản đối vi phạm của Trung Quốc.






Đông Phong - Vy Xuân

Bạn có thể quan tâm