Khi tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nó không chỉ đi một mình. Hộ tống con tàu này là các tàu hải cảnh (haijing) và đặc biệt là các tàu dân quân biển.
Dân quân biển Trung Quốc từ lâu đã được xem là lực lượng nguy hiểm trên Biển Đông, một "vũ khí" lợi hại Bắc Kinh sử dụng để áp đặt các yêu sách chủ quyền mà không cần gây ra xung đột vũ trang.
Vỏ bọc tàu cá - khó xử lý hay xuống thang
Ngụy trang dưới vỏ bọc tàu cá, lực lượng này trở thành yếu tố quan trọng của chiến lược "vùng xám", là mũi nhọn giúp Trung Quốc kiểm soát thực địa ở Biển Đông, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng.
"Lực lượng này vô cùng nguy hiểm không chỉ vì hành xử hung hăng đối với tàu các nước láng giềng mà còn vì họ không phải lực lượng chuyên nghiệp, không được huấn luyện cũng như không bị chế tài theo các quy định thông thường về va chạm trên biển mà các nước áp dụng cho lực lượng chiến đấu có vũ trang", ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, nói với Zing.vn.
"Điều đó có nghĩa là họ có thể gây ra những cuộc khủng hoảng rất khó xử lý hay xuống thang", ông Poling nói thêm.
Dân quân (hay dân binh theo cách gọi của Trung Quốc) là một trong ba thành phần của lực lượng vũ trang nước này, bên cạnh Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP). Dù là lực lượng bán quân sự độc lập với PLA và trực thuộc quản lý của chính quyền, dân quân hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các bộ chỉ huy quân sự địa phương.
Dân quân biển là một bộ phận của lực lượng dân quân Trung Quốc, nước có đội tàu cá lớn nhất thế giới, theo giáo sư Andrew S. Erickson thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, người đã có nhiều năm nghiên cứu đề tài này. Sự tồn tại của lực lượng dân quân biển Trung Quốc không phải là bí mật, dù Bắc Kinh thường né tránh đề cập hoặc đề cao vai trò.
Các tàu cá rời cảng ở Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, hồi tháng 9/2012. Ảnh: Reuters. |
Điều 36 của Luật Nghĩa vụ Quân sự Trung Quốc năm 1984, sửa đổi năm 1998, quy định dân quân "tiến hành các nhiệm vụ liên quan tới việc chuẩn bị đương đầu với chiến tranh, bảo vệ biên giới và duy trì trật tự công cộng, và phải luôn sẵn sàng gia nhập quân đội tham chiến, chống lại sự xâm lược và bảo vệ đất nước".
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2013 tăng cường vai trò của lực lượng dân quân biển trong việc áp đặt các yêu sách chủ quyền và hỗ trợ các chiến dịch của quân đội.
"Thân xám, thân trắng, thân xanh"
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hồi giữa năm 2018, giáo sư Erickson cho biết Bắc Kinh đã và đang triển khai 3 loại tàu để theo đuổi tham vọng ở Biển Đông, gồm tàu hải quân "thân xám", tàu cảnh sát biển "thân trắng" và tàu dân quân biển "thân xanh".
Trong khi Bắc Kinh dường như rất hạn chế sử dụng lực lượng hải quân chính quy hiện đại của mình, tàu trắng và tàu xanh của Trung Quốc được cho là nhẵn mặt ở Biển Đông.
Theo ước tính có phần khiêm tốn của vị chuyên gia, dân quân biển Trung Quốc hiện bao gồm hơn 300 tàu và gần 4.000 nhân sự. Trên lý thuyết, dân quân biển Trung Quốc là những ngư dân đã trải qua các khóa huấn luyện quân sự, vẫn làm công việc đánh bắt hàng ngày nhưng sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ của quân đội. Tuy nhiên, các học giả cho rằng đánh cá chỉ là vỏ bọc.
"Họ mang vỏ bọc các tàu đánh cá, nhưng các thông tin thu thập được cho thấy những con tàu này chẳng quan tâm gì đến đánh bắt, thậm chí họ còn không mang theo ngư cụ phù hợp. Những con tàu 'thân xanh' này chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là xâm chiếm các vùng biển đang có tranh chấp trên Biển Đông", giáo sư Erickson khẳng định.
Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu kêu gọi chú ý đến lực lượng dân quân biển trong báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2017. Theo đó, Bắc Kinh đang sử dụng hạm đội tàu cá thương mại để thực thi áp đặt các yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích theo hướng có tính toán ở dưới ngưỡng khơi mào xung đột quân sự.
Đến năm 2019, trong báo cáo được công bố hồi tháng 6, Lầu Năm Góc gọi dân quân biển là "một bộ phận của dân quân toàn quốc Trung Quốc, một lực lượng dự bị vũ trang bao gồm dân thường sẵn sàng được huy động".
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng lực lượng dân quân biển "đóng vai trò lớn trong các hoạt động cưỡng ép để đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu".
Theo giáo sư Erickson, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã thể hiện vai trò "tiền tuyến", được Bắc Kinh sử dụng như một đơn vị phản ứng nhanh trong nhiều diễn biến căng thẳng trên Biển Đông suốt hàng chục năm qua.
Những lần gần nhất là khi Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn (năm 1995), quấy rối các tàu USNS Impeccable (năm 2009) và USNS Howard O. Lorenzen (năm 2014) của Mỹ, quấy rối các tàu Bình Minh và Viking 2 của Việt Nam (năm 2011), chiếm đóng Bãi cạn Scarborough (năm 2012), phong tỏa Bãi Cỏ Mây (năm 2014), đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (năm 2014) và gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu cá Philippines khiến 22 ngư dân gặp nạn.
"Dân quân biển đang ngày càng trở thành công cụ yêu thích của Trung Quốc để áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ đồng thời thách thức yêu sách chủ quyền của các nước láng giềng", ông Poling nhận định.
Mũi nhọn của chiến lược "tiệm tiến cưỡng bức"
Theo chuyên gia Poling, sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014 là "lần đầu tiên chúng ta thấy dân quân biển Trung Quốc hoạt động với số lượng lớn như vậy". Tuy nhiên, sự hiện diện của lực lượng này trên Biển Đông đang ngày càng phổ biến nhờ các cảng và cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các thực thể ở Biển Đông trong những năm qua.
"Giờ đây chúng ta thấy hàng trăm 'tàu cá' Trung Quốc lảng vảng ở Trường Sa mọi lúc và phần lớn chúng không bao giờ đánh cá. Điều này có nghĩa là chúng thuộc lực lượng dân quân biển", ông Poling nói với Zing.vn.
Tàu dân quân Tam Á F8399 quấy nhiễu tàu USNS Impeccable của Mỹ hồi tháng 3/2009. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trong bài viết "Hải quân giấu mặt của Trung Quốc", đăng trên tạp chí Foreign Policy hồi tháng 6, chuyên gia Poling chỉ ra các bằng chứng cho thấy các tàu Trung Quốc có vẻ ngoài là tàu cá, hiện diện xung quanh các thực thể ở Trường Sa của Việt Nam, thực chất là lực lượng dân quân biển. Theo đó, hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho thấy luôn có 200-300 tàu cá Trung Quốc xung quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Hầu hết tàu đều trên 500 tấn, đồng nghĩa chúng bắt buộc phải lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động (AIS).
Tuy nhiên, ông Poling khẳng định chưa đầy 5% trong số này thực sự phát tín hiệu AIS. "Điều đó cho thấy Trung Quốc đang cố tình che giấu số lượng và hành động của các đội tàu cá đó", ông viết.
Chiến lược "vùng xám" còn được gọi là chiến lược tiệm tiến cưỡng bức, thường được các nước lớn sử dụng để đạt được lợi ích mà không cần dùng tới vũ lực một cách trực tiếp. Chiến lược này có hai đặc trưng căn bản: một là không để xung đột vượt ngưỡng, hai là tiến từng bước nhỏ. Lực lượng dân quân biển, với sự hiện diện ngày càng lớn, được Bắc Kinh xem là mũi nhọn trong việc thực hiện chiến lược này trên Biển Đông.
Một trong những lợi thế của lực lượng dân quân biển, theo quan điểm của Bắc Kinh, là sự mơ hồ về thân phận. Trong thời gian dài, các bên có tranh chấp trên Biển Đông cũng như các lực lượng qua lại trên vùng biển thường không thể xác định chắc chắn liệu họ đang đối mặt với tàu cá bình thường của Trung Quốc hay là "lực lượng bất thường" của nước này vốn có mục đích quân sự rõ ràng trong đầu.
Vì không thể xác định chính xác, các bên khi đối đầu với lực lượng Trung Quốc thường hành động kiềm chế, tránh leo thang xung đột dẫn đến thương vong và bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, theo Asia Times. Trong khi đó, Bắc Kinh lại lợi dụng sự mơ hồ này cũng như khả năng "phủ nhận hợp lý" (bằng cách nói rằng đó là tàu cá dù thực tế không phải) để thực hiện mưu đồ của họ trên Biển Đông.
Chuyên môn hóa, quân sự hóa
Cũng theo Asia Times, các tàu dân quân biển Trung Quốc thường không được vũ trang, nhưng được gia cố phần mũi để có thể húc vào tàu khác, cũng như được trang bị vòi rồng công suất cao, thứ được xem là vũ khí hữu hiệu khi đối đầu với thủy thủ đoàn các tàu nhỏ. Ngoài ra, hầu hết tàu đều được trang bị thiết bị viễn thông hiện đại để tiến hành hoạt động gián điệp cũng như để dễ dàng triển khai theo lệnh của quân đội.
Nguy hiểm hơn, các dấu hiệu chỉ ra rằng Bắc Kinh đã và đang chuyên môn hóa đồng thời quân sự hóa lực lượng dân quân biển. Theo báo cáo hồi tháng 6 của Bộ Quốc phòng Mỹ, chính quyền tỉnh Hải Nam gần đây đã cho đóng 84 tàu cá cỡ lớn với thân tàu được gia cố và trang bị hầm chứa đạn.
"Nhiều tàu dân quân biển được huấn luyện cùng hải quân và hải cảnh Trung Quốc, được hỗ trợ thực hiện những nhiệm vụ như bảo vệ tuyên bố chủ quyền, do thám và trinh sát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ hậu cần", báo cáo chỉ ra.
Các thành viên của lực lượng dân quân biển Hải Nam chủ yếu được tuyển dụng từ các binh sĩ xuất ngũ và được trả lương riêng. Một nghiên cứu của giáo sư Erickson công bố năm 2016 chỉ ra rằng khoảng 300.000 quân nhân bị tinh giản biên chế khi quân đội Trung Quốc thực hiện cuộc cải tổ lớn đã được đề nghị làm việc cho một công ty "ngư nghiệp" với mức lương cạnh tranh cùng nhiều đãi ngộ "mà dường như không liên quan gì đến năng lực đánh bắt".
Lực lượng dân quân biển Tam Á (thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) diễn tập đưa hàng hóa lên tàu. Hình ảnh cho thấy những kiện hàng 32 kg, mặt ngoài ghi là "vũ khí hạng nhẹ", được đưa lên tàu bằng cần cẩu. Ảnh: National Defense. |
Hồi tháng 3, trong cuộc trò chuyện với Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế (CIMSEC), một tổ chức tư vấn chính sách tại Mỹ, giáo sư Erickson cũng cho biết trong những năm qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc chuyên môn hóa lực lượng dân quân biển".
"Không hoạt động nghề cá, thuyền viên các tàu này được huấn luyện để đối phó với các tình huống bất thường trong thời bình và thời chiến, bao gồm việc sử dụng vũ khí hạng nhẹ, và triển khai thường xuyên đến các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí cả trong thời kỳ cấm đánh bắt", vị chuyên gia nói.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hồi tháng 4, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson khẳng định lực lượng này sẽ áp dụng cách xử lý giống nhau đối với tàu hải cảnh, tàu cá vỏ thép và tàu hải quân Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cho biết thêm đã nói rõ vấn đề trong cuộc trao đổi mới đây với người đồng cấp Trung Quốc Thẩm Kim Long.
"Đó là lời cảnh báo rằng Mỹ sẽ không phớt lờ những hoạt động mang tính quân sự nhập nhằng trên biển", đô đốc về hưu James G. Stavridis, người từng giữ vị trí tư lệnh NATO, nói với Financial Times.
Chuyên gia Poling cảnh báo rằng xung đột tiếp theo xảy ra trên Biển Đông rất nhiều khả năng liên quan đến lực lượng dân quân biển Trung Quốc hơn là hải quân hay cảnh sát biển nước này, và nó sẽ thiếu cơ chế để liên lạc và xuống thang căng thẳng vốn tồn tại giữa các lực lượng chuyên nghiệp các bên liên quan.
"Cách duy nhất để tránh một cuộc khủng hoảng cuối cùng xuất phát từ các tàu bán quân sự này là thuyết phục Bắc Kinh đưa chúng ra khỏi bàn cờ", ông nói.
"Bước đầu tiên là kéo tấm màn phủ nhận xuống, thừa nhận rằng bằng chứng về số lượng và hoạt động của chúng là quá nhiều, và kiên định rằng chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hành vi xấu của chúng".