Trước hết, hãy bắt đầu bằng câu trả lời của Wenger trong bài phỏng vấn với tờ L’Equipe (Pháp) vào năm 2016. “Tôi vẫn nhớ lời ông nội mình nói: "Ông chả hiểu giá trị của thể thao là gì. Trong một cuộc thi 100 mét, người về nhất mất 10,1 giây, người thứ hai mất 10,2 giây, cả đều quá nhanh rồi. Sao người ta chỉ vinh danh người đứng đầu mà lãng quên tất cả".
Tôi cứ nghĩ mãi về điều ông nói và đấy quả là một việc nguy hiểm cho thể thao. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà tất cả đều vinh danh người thắng cuộc, bỏ qua con đường, bỏ qua phương pháp. Rồi 10 năm sau chúng ta nhận ra cái gã vô địch ấy là một kẻ lừa gạt. Nhưng trong chừng ấy thời gian, kẻ về nhì chân chính luôn bị xem thường, không ai vinh danh, chẳng ai thừa nhận. Có quá bất công không?”
Giá trị của thể thao
Câu chuyện kẻ vô địch và người về nhì mà Wenger ám chỉ cách đây hai năm đó là về đội AS Monaco của ông trong giai đoạn cuối thập niên 80 đầu những năm 90. Monaco khi ấy vô địch Ligue 1 vào năm 1987/88 trước khi về nhì và ba trong ba mùa tiếp theo. Năm 1993, Marseille bị phanh phui ra đã mua độ của Valenciennes để CLB này chủ động thua cuộc nhằm có được sự chuẩn bị tốt nhất cho trận chung kết Champions League với AC Milan.
Chủ tịch của Marseille khi đó Benard Tapie đã phải vào tù. “Giờ nhìn lại không khỏi nghĩ rằng chúng tôi đã mất 2 chức vô địch Pháp vì những trò bẩn của Marseille”, Claude Puel, người gắn bó với Monaco trong vai trợ lý Wenger nói. “Ông ấy cũng tin như thế. Đó là một vết sẹo với Arsene, với tất cả chúng tôi”.
“Giá trị của thể thao” như cách mà ông nội Wenger nói là điều in sâu vào trong tâm trí của vị HLV người Pháp. Với ông thể thao không đơn thuần là cuộc chơi để tìm ra người thắng cuộc. Thể thao còn là cách con người đối xử với con người, cách để con người truyền tải những ý niệm của họ với cuộc sống. Vẫn là Wenger trong bài trả lời phỏng vấn với L’Equipe năm 2016:
“Tôi không phải lúc nào cũng fair play. Trong mỗi con người, khát vọng tranh đua bao giờ cũng lớn và nó khiến ta có thể bước qua những ranh giới. Tôi thừa nhận mình không giỏi trong việc giữ gìn giữ sự fair play tuyệt đối vì tôi thù ghét thất bại vô cùng".
"Với người Anh, sự quý tộc và fair play của họ là điều rất ý nghĩa. Hãy nhìn đội rugby đi, bị loại từ vòng bảng ngay trên sân nhà nhưng vẫn vỗ tay cho đội Australia khi đối thủ rời sân. Hành động ấy xứng đáng được tôn trọng. Chúng ta hiểu rõ họ đang đau khổ thế nào, nhưng họ vẫn vinh danh đối thủ. Hình ảnh ấy rất tốt cho thể thao", "Giáo sư" cho biết.
"Khi còn làm việc ở Nhật Bản, tôi có theo dõi sumo. Điều tôi thích ở môn này là vào cuối trận đấu, người chiến thắng không bao giờ ăn mừng để khiến bại tướng của mình cảm thấy hổ thẹn. Tôi đã bao lần phải chịu đựng thất bại, nhưng đối xử trước thất bại của người khác cũng đòi hỏi văn hóa. Về điều này thì tôi thật sự kính trọng Nhật Bản và giá trị của Anh quốc”.
Sir Alex Ferguson từng gọi Wenger là kẻ học việc. Đồ họa: Minh Phúc. |
Sau 22 năm dẫn dắt Arsenal, ấn tượng lớn nhất mà Arsene Wenger để lại trong tiềm thức của người hâm mộ là gì? Mùa giải 2003/04 bất bại, thế đối đầu với Sir Alex Ferguson và M.U, Thierry Henry hay những thất bại liên tục trong hơn một thập kỷ qua? Tất cả đều đúng nhưng chưa hẳn đủ. Điều lớn nhất mà Wenger mang lại cho Arsenal là hình ảnh có một không hai về CLB đi ngược lại mọi tiêu chuẩn trước đó của bóng đá Anh.
Di sản của Wenger
Trước khi Wenger tới, số 10 của Arsenal là Paul Merson, mẫu cầu thủ ngay cả những người xem bóng đá ngày đó cũng khó có thể miêu tả lại bằng ngôn từ vào thời điểm hiện tại. Merson đậm người, không quá cao, không kỹ thuật như Glen Hoddle, Paul Gascoigne, cũng chẳng mạnh mẽ như John Barnes. Năm 26 tuổi, Merson thừa nhận mình nghiện rượu, sau đó là cờ bạc. Bợm nhậu khi đó với Merson trong đội hình Arsenal còn có Tony Adams.
Sau khi Wenger tới, những “số 10” tiêu biểu của Arsenal là Dennis Bergkamp, Samir Nasri hay Mesut Oezil, những mẫu cầu thủ nhắm mắt cũng tưởng tượng ra họ sẽ tư duy như thế nào, xử lý trái bóng ra sao. Với Merson và Adams, người đầu tiên rời CLB ngay trong năm đầu tiên, người thứ hai cai rượu thành công và là thủ lĩnh của Arsenal giành hai cú đúp quốc nội Premier League & FA Cup (1998 & 2002).
Manchester United là 1 tiêu chuẩn khi Wenger tới Anh. Ông ấy thay đổi trận đấu, phương pháp tiếp cận trận đấu và bắt đầu giành những danh hiệu. Điều này giúp Fergie suy nghĩ và định hình lại M.U. Ông ấy đã làm điều đó và giúp Man Utd trở lại mạnh mẽ hơn.
Sự cạnh tranh này đã diễn ra trong thời gian dài và mang tới rất nhiều cảm xúc, khoảnh khắc, niềm vui và cả nước mắt, những mối liên kết giữa 2 CLB. Một khoảnh khắc trong lịch sử bóng đá Anh sẽ được ghi nhớ. Wenger thay đổi những trận đấu ở Anh theo hướng tốt lên, như 1 cuộc cách mạng về bóng đá, chế độ ăn uống, phương pháp đào tạo...
Ai cũng vậy, hoặc phải thích nghi, hoặc bị thụt lại phía sau. Ông ấy đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đỉnh cao và mang tới cơ hội cho nhiều người khác. Có bao nhiều người đã tạo ra được 1 cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp bóng đá? Wenger đã làm điều đó và ông ấy đã giành được những danh hiệu”, Rio Ferdinand đưa ra những lời tri ân cho Wenger.
Giá trị thể thao mà Wenger tạo ra tại Arsenal là ở đó. Ông đẩy triết lý giáo dục của mình vào Arsenal, và biến CLB này trở thành một ốc đảo riêng biệt về mặt triết lý của nền bóng đá Anh quốc vốn bảo thủ. Bóng đá của Wenger được xây dựng từ những điều nhỏ nhặt nhất như chế độ ăn uống, sử dụng các chuyên gia xoa bóp, yoga. Đáng nói, Wenger không ép buộc cầu thủ, mà những học trò tự giác nghe theo lời ông.
“Ông ấy tạo ra môi trường để học hỏi”, Martin Keown nói. “Và chúng tôi chỉ làm theo. Ông ấy khuyến khích mọi người như vậy, thúc đẩy mọi người quyết định đúng”. Trước khi Pep Guardiola gây sốt cho cả xứ sở sương mù vì tính tỉ mỉ tới mức đo độ dài mặt cỏ để các cầu thủ có thể chơi bóng như mình muốn, Wenger đã làm điều tương tự cách đây hơn hai thập kỷ.
Như chính Wenger thừa nhận, “Một trong những điều tuyệt vời nhất của nghề nghiệp chúng tôi là ảnh hưởng tới người khác theo hướng tích cực”.
Ông đã thay đổi cả lịch sử Arsenal, biến CLB từ chỗ đá ba hậu vệ chặt chém kiểu Anh truyền thống, tới hình mẫu đá đẹp với sự cân bằng gần như tuyệt đối trong tấn công lẫn phòng ngự bằng sự tỉ mỉ trong phương pháp giáo dục không gượng ép. Nếu không phải Wenger, liệu có một HLV nào đưa Arsenal tới thời kỳ mà CLB ra sân, chơi bóng, chiến thắng theo phong cách robot được lập trình như thế hay không?
Thành tích trong 22 năm dẫn dắt Arsenal của Arsene Wenger. |
Rời khỏi Highbury tới Emirates vào năm 2006 có thể là bước đi đã thay đổi vĩnh viễn hành trình của Wenger tại Arsenal. Sức ép về doanh thu, trả nợ… khiến Arsenal dần bán hết đi những ngôi sao.
Ông vẫn đặt trọn vẹn niềm tin vào những cầu thủ trẻ, song bóng đá Anh với sự xuất hiện của Chelsea và sau này là Manchester City đã trở nên quá khắc nghiệt so với lý tưởng giáo dục bỗng trở nên quá mơ mộng của ông. Thứ giá trị thể thao mà Wenger luôn muốn hướng tới giờ bị nhấn chìm bởi những toan tính thiệt hơn, những cuộc chiến kim tiền trên thị trường chuyển nhượng vào mỗi mùa hè.
Sẽ thật dễ dàng để chỉ trích Wenger. Thật ra chỉ trích nói chung là hành động không hề khó. Thay đổi mới là điều xứng đáng để nâng lên đặt xuống. Trên khía cạnh ấy, Wenger xứng đáng nhận được mọi sự tôn vinh. Không có ông, Arsenal không thể là Arsenal của ngày hôm nay. Sự thật ấy, không ai có thể chối bỏ.