Sau khi kết thúc thời kỳ của hai HLV huyền thoại, Arsenal và Manchester United mắc nhiều sai lầm giống nhau. Song, trong lúc MU vẫn còn loay hoay, đối thủ từ London cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Sự kiên nhẫn khi đặt niềm tin vào HLV Mikel Arteta trong dài hạn, bên cạnh chiến lược chuyển nhượng hướng đến cầu thủ trẻ và phù hợp với đội bóng giúp Arsenal trở lại.
Chỉ Arsenal và Man City là hai đội toàn thắng tại Ngoại hạng Anh kể từ đầu mùa. Ảnh: Reuters. |
Sự kiên nhẫn
Người hâm mộ Arsenal hẳn có ít nhiều cảm giác kinh hãi khi chứng kiến MU thua Brentford 0-4 cuối tuần trước. Họ cũng sẽ nghĩ thầm rằng thật may khi đội bóng của mình không rơi vào hoàn cảnh đó. Đúng một năm trước, Arsenal cũng thua trên sân của Brentford trong ngày khai màn Ngoại hạng Anh 2021/22. Một tháng sau, bầu không khí u ám tràn ngập ở Arsenal, khi đội bóng của Arteta thua cả 3 vòng đầu Premier League.
Khi đó, Arsenal xếp cuối bảng với hiệu số -9 và thậm chí không ghi nổi bàn nào. Tương lai của HLV Arteta bị nghi ngờ, và người hâm mộ Arsenal tự hỏi gần nửa thập niên sau ngày Wenger chia tay CLB, "Pháo thủ" đã sa sút đến thế nào? May thay, đúng một năm sau, Arsenal cho thấy dấu hiệu trở lại quỹ đạo.
Đội chủ sân Emirates cùng với Man City dẫn đầu bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2022/23 với thành tích toàn thắng sau 2 vòng. Tất nhiên, còn quá sớm để nói về việc Arsenal trở lại đúng với vị thế như trước kia. Mùa giải còn dài và cuộc đua Premier League chưa thật sự rõ ràng. Song, màn trình diễn ấn tượng Arsenal thể hiện ở 2 vòng đầu phản ánh chiến lược đúng đắn của ban lãnh đạo CLB.
Một trong những điều chỉnh quan trọng của Arsenal dưới thời HLV Arteta và Giám đốc Kỹ thuật Edu Gaspar nằm ở bầu không khí và văn hóa bên trong CLB. Arteta nhớ lại rằng sau khi Wenger rời đi, văn hóa và những giá trị truyền thống ở Arsenal "gần như bị đứt gãy".
Trật tự của đội bóng cũng phải được thiết lập trở lại. "Điều đầu tiên đó là tôi tập hợp mọi người, nhân viên và cầu thủ lại với nhau, nói với họ những gì tôi nghĩ và giải thích tại sao mọi thứ cần thay đổi", Arteta chia sẻ trên The Athletic. "Chúng tôi phải tạo ra một môi trường làm việc mà trước hết mọi người phải tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết và thể hiện niềm tin".
Không hề dễ dàng cho Arteta và Edu ở thời điểm khởi đầu. Giai đoạn nắm quyền của HLV Unai Emery, chuyên gia tuyển trạch Sven Mislintat hay Giám đốc Bóng đá Raul Sanllehi khiến Arsenal gặp nhiều vấn đề. Ba nhân vật kể trên được kỳ vọng tiếp quản quyền lực to lớn từ tay Wenger vào năm 2018, nhưng họ thất bại và phần nào đẩy Arsenal rơi vào hỗn loạn.
Chủ sở hữu Arsenal, Stan Kroenke nhận ra điều này và thay thế họ bằng Arteta và Edu, hai cựu cầu thủ CLB. Sau khi trở lại, Arteta và Edu đưa ra các quyết định khắc nghiệt liên quan đến Mesut Ozil hay Pierre-Emerick Aubameyang. Nhiều tranh cãi nổ ra xung quanh cách Arteta giải quyết tương lai của Ozil và Aubameyang. Đến thời điểm hiện tại, có thể nói chiến lược gia người Tây Ban Nha đúng khi đẩy hai "quả táo thối" trong phòng thay đồ đội bóng rời đi.
Nếu MU muốn Erik ten Hag thành công, họ không thể dao động trong việc ủng hộ vị HLV mới. Giới chủ Arsenal cam kết 100% với Arteta và Edu trong việc tái cấu trúc đội bóng. Những thông tin gần đây về việc nhà Glazer không muốn Ten Hag để Cristiano Ronaldo rời đi vì thương hiệu phản ánh phần nào vấn đề của MU. "Ten Hag không nên đến một CLB chủ yếu làm thương mại", Louis van Gaal cảnh báo vào tháng 3. "MU là một CLB thương mại như thế".
Sự kiên nhẫn giúp Arsenal mất ít thời gian trở lại hơn MU. Arteta và Edu có tầm nhìn rõ ràng trong việc mua sắm cầu thủ của Arsenal. Họ không thể lao vào các vụ chuyển nhượng đình đám để cạnh tranh với Man City, Chelsea, PSG hay Real Madrid. Arsenal đầu tư vào đội hình trẻ và chờ các cầu thủ này tiến bộ.
Việc mua sắm cầu thủ đúng đắn và hướng đến tương lai giúp Arsenal trở lại. |
Chiến lược chuyển nhượng
Hè 2021, Arsenal mua 5 tân binh, tất cả đều từ 23 tuổi trở xuống. Mọi thứ không dễ dàng với "Pháo thủ". Họ hụt hơi trong cuộc đua top 4 Premier League vào cuối mùa vì sự non kém và chiều sâu lực lượng. Nhưng như HLV Wenger từng nói: "Bạn phải sẵn sàng đón nhận sai lầm của những cầu thủ trẻ nếu sử dụng họ". Không có bữa ăn nào miễn phí và Arsenal hiểu họ muốn gì.
Một điểm quan trọng khác nằm ở việc Arsenal mua cầu thủ không chỉ theo ý thích của Arteta. Giám đốc Kỹ thuật Edu và nhiều thành viên ban lãnh đạo CLB khác đóng vai trò quan trọng. "Tất nhiên tôi không bao giờ mua cầu thủ mà không thảo luận với Arteta", phát biểu của Edu hồi tháng 7 cho thấy điều này. Đó là một sự chia sẻ quyền lực giúp Arsenal tránh rơi vào tình trạng "đập đi xây lại" đội hình nếu phải thay HLV.
Đầu tháng này, HLV Julian Nagelsmann nói ông đồng ý với quan điểm "CLB nên có tiếng nói cuối cùng trong việc chuyển nhượng". "Xét tổng thể, cầu thủ thường ở lại đội bóng lâu hơn HLV", thuyền trưởng Bayern nói. "Chính vì thế, tốt nhất là CLB mua những cầu thủ họ nghĩ phù hợp và HLV làm việc dựa trên điều đó".
Arsenal rõ ràng đi theo con đường của Bayern. Những cầu thủ như Martin Odegaard hay Gabriel Jesus đều còn trẻ và ngay cả khi Arteta rời CLB trong vài năm tới, họ vẫn là tài sản đáng giá với Arsenal.
Khi MU chiêu mộ Tyrell Malacia, Lisandro Martinez và Christian Eriksen trong mùa hè này, người ta có cảm giác họ chỉ làm theo "ý thích" của Ten Hag. Điều đó không hẳn sai, nhưng nó cho thấy "Quỷ đỏ" thiếu đi một đội ngũ tư vấn cho HLV trưởng. Ten Hag chưa bao giờ là mẫu chiến lược gia tự mình quyết định mọi thứ trên thị trường chuyển nhượng. Và khi cần mua gấp cầu thủ, HLV này chỉ liên hệ với những ngôi sao ông quen và hiểu rõ.
Nếu Arsenal thành công với Arteta, họ sẽ mất chưa đầy nửa thập niên để trở lại quỹ đạo, sau khi Wenger rời đi vào năm 2018. Trong khi đó, MU đã sa sút được gần một thập niên kể từ thời điểm Sir Alex giải nghệ.