Sự phát triển của âm nhạc đã biến đây không còn là hình thức giải trí đơn thuần. Từ ngoài nhìn vào những ngôi sao, tất cả đều trông rực rỡ, thân thiện với những phát ngôn đoan chính, đề cao tinh thần nghệ sĩ.
Công chúng thưởng thức sản phẩm của họ, ngưỡng mộ họ và cảm thấy hạnh phúc khi được thần tượng ai đó. Ánh hào quang sáng nhoà phát ra từ họ - những ngôi sao - như thứ ma lực không thể chối từ.
Họ thủ thỉ vào tai những người hâm mộ rằng "Hãy vui với vẻ âm nhạc của tôi nhé", cùng dòng chữ "Hãy mua nó với..." được hiện rõ ngay bên dưới. Giá cả sẽ phụ thuộc vào single hay album, đĩa mở rộng hay sản phẩm đặc biệt, ngày ra mắt chính thức hay dịp lễ hội.
Để chào mừng cột mốc 10 triệu đĩa tiêu thụ của 1989 và 100 triệu đĩa đơn, Taylor Swift đã quyết định dỡ bỏ lệnh niêm phong toàn bộ sản phẩm âm nhạc của mình để đưa nó lên các trang nghe nhạc trực tuyến, đồng thời giảm giá album trên iTunes, Amazon, Pandora.
Taylor Swift quảng bá cho album mới, kêu gọi các fan hãy chuẩn bị tinh thần đặt trước. |
Công chúng bất ngờ, xen lẫn ngưỡng mộ và chúc mừng cho ngày vui của Taylor Swift. Nhưng ít ai biết rằng, hành động này của cô chỉ là đang muốn cạnh tranh trực tiếp với Katy Perry, người vừa phát hành album mới trong cùng ngày. Hai nữ ca sĩ có mối thâm thù từ lâu, như thể chỉ chầu chực chờ thời cơ để tấn công nhau và giành lấy phần thắng về cho mình.
Đây chính là thực trạng đang diễn ra tại hậu trường, nơi khuất lấp ánh đèn sân khấu của những ngôi sao. Ở đó, họ không còn là những nghệ sĩ, công chúa, hoàng tử... quen thuộc. Tất cả, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, chính là những nhà kinh doanh âm nhạc thực thụ.
Từ vụ Ariana Grande tại Việt Nam
Khỏi nói sự kiện nữ ca sĩ 24 tuổi bất ngờ huỷ show diễn đã gây chấn động thế nào với người hâm mộ vào chiều hôm qua. Còn 5 tiếng nữa đến giờ diễn, Ariana Grande chỉ làm một hành động rất đơn giản là đăng bức ảnh bằng chức năng story trên Instagram.
Không một lời thông báo hay xác nhận đầu tiên từ ban tổ chức, những tấm vé Dangerous Woman Tour mà hàng nghìn khán giả đang cầm trên tay bỗng trở nên vô giá trị như chính lời xin lỗi của nữ ca sĩ.
Nhiều lý do cùng tin đồn nảy sinh: Ariana Grande bị sốt 42 độ, sân khấu không đảm bảo tiêu chuẩn, lượng vé bán ra quá ít để lấp đầy khán đài hoặc bất đồng xảy ra... Khắp nơi từ Instagram, Facebook đến Twitter, hàng loạt người hâm mộ tràn vào trách móc Ariana Grande.
Ariana Grande kiêu kỳ như một diva. Ảnh: Getty. |
"Cô có biết show diễn này có ý nghĩa như thế nào với chúng tôi không?", bình luận nhận được nhiều đồng tình. Không có ý nghĩa sao được khi Phillip Nguyễn, đại diện ban tổ chức, trước đó còn hứa hẹn sẽ mang nhiều ngôi sao tầm cỡ khác như Katy Perry, Buno Mars, Maroon 5 về nếu sự kiện Ariana Grande diễn ra thành công.
Hay nếu không tính đến việc Dangerous Woman Tour là đêm diễn đầu tiên của một sao hạng A quốc tế đến Việt Nam, thì cách mà Ariana Grande thông báo cũng tạo cảm giác quá bẽ bàng và mông lung.
"Còn ai dám mua vé vào lần sau khi nghệ sĩ thích là huỷ cơ chứ?", một bình luận khác tiếp lời, ấm ức vì vừa bị ai đó đánh thức khỏi giấc mơ sắp trở thành hiện thực.
Việc gì phải vì fan?
Sau khi sự việc xảy ra, vô số khán giả đã kêu gọi, ước ao giá như Ariana Grande chỉ hát nhép thôi cũng được, nếu thông tin nữ ca sĩ bị sốt 42 độ là thật. Còn trường hợp khác, lỡ như cô và ban tổ chức không đạt được thoả thuận cuối cùng trong hợp đồng thì sao?
Là một nghệ sĩ, Ariana Grande chắc chắn phải thương fan. Cô ấy lẽ ra nên nghĩ đến viễn cảnh có hàng nghìn khán giả yêu quý mình, đã chuẩn bị công sức lẫn tiền bạc cho cuộc gặp gỡ từ lâu, dù rằng khoảng cách giữa hai bên chỉ là một tấm vé thông hành.
"Ra sân khấu để giao lưu, hát thều thào vài câu thôi có gì đâu mà khó?", câu hỏi có phần thật thà này là thắc mắc chung của nhiều người, kể cả họ có bỏ tiền ra mua vé xem Ariana Grande hát hay không.
Phản ứng chung đa phần là phẫn nộ. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào vị trí của chủ nhân tour diễn Dangerous Woman, hẳn nhiều khán giả sẽ nhận ra lý do vì sao. Đó là Ariana Grande, nói theo cách phũ phàng nhất, không cần phải làm tròn vai diễn một thần tượng tại Việt Nam.
Nữ ca sĩ là đại diện cho cả bộ máy nhào nặn và chỉnh sửa phía sau của Hollywood, với nhiệm vụ duy nhất là in ra tiền để nuôi sống, làm giàu cho mình và đội ngũ. Đối diện trước ban tổ chức, Ariana Grande là nhà kinh doanh âm nhạc, một ngôi sao.
Việt Nam là một trong hai quốc gia bị Ariana Grande huỷ show vô lý. Ảnh: Wikipedia. |
Công việc của cô là thực hiện theo điều khoản trong hợp đồng nếu đúng, và từ chối nó nếu sai. Điều tương tự cũng xảy ra khi cô bị bệnh. Huỷ bỏ một đêm diễn, Ariana Grande vẫn còn hàng trăm đêm diễn khác tại những thị trường âm nhạc quy mô hơn.
Trong vòng nửa năm, Dangerous Woman Tour đã mang về cho Ariana Grande hơn 41 triệu USD - một con số khổng lồ so với tiền bán vé mà cô thu được tại Việt Nam. Vậy tội gì không rút nhanh chỉ với bức story trên Instagram để tiếp tục hành trình của mình?
Miley Cyrus từng huỷ show trước 30 phút vì "bị dị ứng kháng sinh", Miranda Lambert huỷ show vì muốn bảo vệ chất giọng hay ngay cả Justin Bieber, một ngôi sao nổi tiếng thương fan, cũng đùng đùng rời khỏi sân khấu vì khán giả không tập trung nghe cậu tâm sự.
Nếu không tính những show diễn bị huỷ tại châu Âu vì vụ khủng bố ở Manchester, thì Việt Nam chính là một trong hai quốc gia trong khuôn khổ Dangerous Woman Tour bị huỷ một cách vô lý. Tại Mexico, Ariana Grande thậm chí còn không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.
Sau những lần khiến người hâm mộ tan vỡ, những ngôi sao trên vẫn cứ thành công, kiếm thật nhiều tiền và được khán giả yêu mến. Để rồi chính họ - những ngôi sao - vẫn hát mãi bài ca "yêu fan, vì fan và hãy mua nhạc của tôi nhé" trên các phương tiện truyền thông.
Có lẽ Ariana Grande không mắc bệnh ngôi sao, hoặc ít nhất cũng không bao giờ để nó làm ảnh hưởng đến sự nghiệp và hình ảnh của mình. Nữ ca sĩ biết rõ nơi mình cần tới, dành cho nó sự trân trọng và khoác lên mình chiếc mặt nạ đẹp đẽ, chân thật mà cô biết chắc ở đó người ta sẽ thích mê.
Trả lời trước câu hỏi liệu Ariana Grande có thiên vị khán giả Nhật Bản hơn Hàn Quốc hay không, đại diện Universal Music Group giải thích: "Về số lượng buổi biểu diễn, nó phụ thuộc vào quy mô của thị trường. Điều này được quyết định bởi ban tổ chức sự kiện."
Dĩ nhiên, vì Nhật Bản chính là thị trường âm nhạc lớn thứ ba trên thế giới. Tại đó, họ mua nhạc của Ariana Grande nhiều hơn gấp mấy lần những quốc gia châu Á khác. Và cũng tại đó, còn là nơi cứu vớt sự nghiệp của hàng loạt ngôi sao Âu Mỹ mà biết đâu, sẽ đến lượt Ariana Grande sau này.
Fan Việt thiệt thòi vì chưa có thị trường âm nhạc?
Mỗi năm, cứ đến mùa đi tour của những nghệ sĩ Âu Mỹ, khán giả Việt Nam nếu muốn đi xem thì buộc lòng phải ghé thăm những nước bạn như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Chuyến đi gặp thần tượng được tổ chức như một kỳ nghỉ thật sự.
Theo Hoàng Phương Loan, người từng đi xem show của Taylor Swift ở Malaysia và sắp tới là One Republic, quá trình chuẩn bị khá công phu, trải qua nhiều bước như: đăng ký bằng số hộ chiếu từ trước, tập cách đặt vé, chuẩn bị thẻ thanh toán quốc tế và cuối cùng là giành giật ghế.
“Ban tổ chức sẽ mở trước giờ đặt vé khoảng một tiếng, từ 9h đến 9h5 mà đã có tới 20 nghìn lượt trong khi show Ed Sheeran chỉ có 10 nghìn ghế. Đến lượt tôi còn vài ghế trống, giành giật từng li tứng tí mà nếu mạng mất thì coi như mất luôn suất vé đó”.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là vùng trũng mỗi khi các tour diễn quốc tế đi qua Đông Nam Á. Nhiều khán giả chọn cách “xem ké” ở nước bạn trước khi Dangerous Woman Tour chính thức đến Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng phổ biến nhất vẫn là vì Việt Nam chưa hình thành thị trường âm nhạc khu vực thực sự, chưa có hệ thống kiểm kê lượng tiêu thụ sản phẩm để có con số chứng minh cho các nghệ sĩ quốc tế.
“Hành động chỉ thông báo hủy show qua story trên Instagram của Ariana Grande chứng tỏ cô ấy không xem trọng thị trường âm nhạc Việt Nam”, một nhà sản xuất giấu tên chia sẻ.