Cũng với lý do sức khỏe, nhưng Adele lại được người hâm mộ xót thương và ủng hộ khi cô hủy hai buổi biểu diễn cuối cùng của tour Adele Live 2017 tại London (Anh) vào tháng 6 vừa qua. Bởi nữ ca sĩ đã đưa ra lý do minh bạch kèm lời xin lỗi chân thành.
Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Chuyện hủy ngang show một cách thiếu chuyên nghiệp thường xuyên xảy ra, đặc biệt là với các sao hạng A thế giới. Ariana Grande chỉ là một trong số đó.
Xin lỗi không có tâm
Khi công bố tin hủy show hồi tháng 6, Adele giải thích rằng dây thanh âm của cô bị tổn thương do biểu diễn dài ngày. Đây là thông tin đáng tin cậy vì trước đây cô từng phải phẫu thuật thanh quản. Hơn thế, nữ ca sĩ viết một bức thư cho người hâm mộ với những lời lẽ thể hiện sự hối tiếc sâu sắc.
Danh ca Adele được người hâm mộ thông cảm khi buộc phải hủy show vì dây thanh âm bị tổn thương. Ảnh: Getty Images. |
Tất nhiên, bức thư do ê-kíp truyền thông của nữ ca sĩ soạn thảo chứ không phải đích thân cô viết. Nhưng cả Adele và ê-kíp đều có cách hành xử "có tâm" cũng như hiểu được nỗi hụt hẫng của người hâm mộ.
Họ hiểu rằng người hâm mộ sẵn sàng chấp nhận show diễn bị hủy nếu lý do là bất khả kháng. Nhưng mặt khác, người hâm mộ cũng rất cần một lời động viên xứng đáng để vượt qua nỗi thất vọng không được xem thần tượng biểu diễn.
Trong trường hợp của Ariana Grande ở TP.HCM hôm 23/8, nữ ca sĩ hoặc ê-kíp của cô đã quên mất điều thứ hai. Và lời giải thích "sốt 42 độ" không có bằng chứng hay căn cứ rõ ràng còn khiến hầu hết khán giả nghĩ rằng Ariana Grande đang nói dối.
"Sốt 42 độ là đang hấp hối rồi còn đâu. Thật khó tin" là ý kiến của đông đảo độc giả trên mạng xã hội, dưới thông tin về sức khỏe của Ariana Grande. Có người còn mỉa mai: "Độ này là độ F hay độ C?"
Không thể kết luận Ariana Grande nói dối, nhưng đáng ra nữ ca sĩ nên tránh gây mất lòng người hâm mộ bằng cách giải thích rõ ràng và "có tâm" hơn. Cách xử sự của cô - đăng thông báo bằng hình thức story trên Instagram (sẽ mất sau 24h) và vài dòng giải thích sơ sài - chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
Do đó không thể trách dư luận phẫn nộ. Sự việc càng khó chấp nhận vì giọng ca Problems vốn có tiền sử hủy show gây tranh cãi. Năm 2015, cô cũng từng dính bê bối do "xin lỗi không có tâm".
Đó là khi nữ ca sĩ đang bị dư luận Mỹ chỉ trích vì hành vi liếm bánh donut mất vệ sinh ở một cửa hàng (còn gọi là vụ scandal Donutgate). Ariana Grande đã đăng đàn xin lỗi nhưng bị vẫn dư luận cho là không thành khẩn.
Đúng giữa thời điểm bê bối này, cô có lịch biểu diễn trong chương trình âm nhạc MBL All-Star. Và Ariana Grande đã quyết định hủy show với lý do "cần phẫu thuật nha khoa đột xuất". Nhưng dư luận càng không tin, cho rằng cô bực bội vì vụ Donutgate nên không muốn biểu diễn.
Ariana Grande từng nhiều lần hủy show thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: Billboard. |
Một trường hợp hủy show thảm họa khác là Miley Cyrus. Nếu Ariana Grande hủy show ở TP.HCM 5 tiếng trước giờ diễn, thì Miley Cyrus còn gây sốc hơn: hủy show trước... 30 phút, khi hầu hết khán giả đã yên vị ở sân vận động, và hủy một loạt buổi biểu diễn tiếp theo.
Đó là năm 2014, sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Bangerz Tour. Lý do Cyrus đưa ra là cô bị "dị ứng kháng sinh nghiêm trọng, phải nhập viện" và bác sĩ yêu cầu nghỉ ngơi. Nhưng một bộ phận khán giả và giới truyền thông lại nghĩ khác.
Bangerz Tour là thời nổi loạn nhất của Cyrus với rất nhiều màn biểu diễn bị chỉ trích, cấm đoán ở nhiều nơi. Cũng có tin đồn cô say xỉn, không đảm bảo được phong độ biểu diễn.
Dù các tin đồn đúng hay sai thì vẫn thể hiện một điều: nữ ca sĩ không tạo được niềm tin ở người hâm mộ khiến việc hủy show gây nhiều đồn đoán.
Đôi khi lỗi là ở khán giả hoặc... chính trị
Lưu diễn luôn là hoạt động quan trọng trong sự nghiệp của các ca sĩ chuyên nghiệp. Bởi đây là nơi họ quyết định thành bại của album mà họ đang quảng bá (như Ariana Grande lưu diễn để quảng bá album thứ ba của cô là Dangerous Woman).
Đó cũng là nơi bán album và vật phẩm ăn theo, đồng thời phổ biến tên tuổi của ngôi sao đó khắp các châu lục (phụ thuộc vào quy mô của tour) và đưa họ đến với người hâm mộ nhiều quốc gia.
Bởi vậy, việc hủy show trong một chuyến lưu diễn dù không hiếm gặp nhưng vẫn bị coi là sự cố nghiêm trọng. Nếu xử lý không khéo, ca sĩ sẽ phải chịu những hậu quả đáng kể.
Chẳng hạn, chỉ sau ít lần hủy show với lý do mập mờ, tên của Ariana Grande đã bị xướng lên trong danh sách "những ngôi sao thiếu tôn trọng khán giả".
Justin Bieber, chàng ca sĩ nổi tiếng nhất hiện nay, bị trang The Richest phong là "vua của những lần hủy show kỳ quặc". Nhưng nếu xét kỹ các trường hợp này, lỗi không hẳn chỉ do nam ca sĩ.
Năm 2015, Bieber từng tức giận bỏ ngang một show đang diễn dở ở Oslo (Na Uy) khi nhiều fan nữ quá khích chồm lên kéo chân anh. Khi sự cố xảy ra, nam ca sĩ lập tức rời khỏi sân khấu và tuyên bố không hát nữa.
Sau đó, Bieber hối hận vì phản ứng thái quá này và đã có lời xin lỗi người hâm mộ qua Twitter. Mặc dù vậy, cần thừa nhận thực tế là Bieber có nhiều "fan cuồng" với những hành vi không đẹp.
Đến năm 2016, nam ca sĩ lại dính thêm một lần bỏ ngang show kỳ quặc. Trong buổi diễn ở Manchester (Anh), khi Justin Bieber đang giãi bày tâm sự giữa các bài hát, khán giả đã ồn ào không tập trung khiến anh cảm thấy không được tôn trọng.
Thậm chí, nhiều khán giả còn yêu cầu Justin Bieber hát chứ đừng... tâm sự dài dòng. Tức giận, nam ca sĩ ném mic và rời khỏi sân khấu.
Justin Bieber là "vua của những lần hủy show kỳ quặc". Ảnh: Rob Grabowski/Invision/AP. |
Với một ngôi sao được hâm mộ cuồng nhiệt như Justin Bieber, thật khó để phân định là anh hay khán giả có lỗi. Giọng ca Love Yourself khó kiểm soát cơn giận, nhưng người hâm mộ của anh cũng không biết cách kiểm soát sự quá khích.
Còn Maroon 5, ban nhạc người Mỹ rất được hâm mộ ở châu Á, từng phải bất đắc dĩ hủy show ở Trung Quốc năm 2015 vì lý do chính trị. Trước thềm hai show diễn, Jesse Carmichael - tay chơi keyboard của ban nhạc - đã đăng lên Twitter thông điệp chúc mừng sinh nhật một nhân vật tôn giáo bị nhà nước Trung Quốc trục xuất từ năm 1959.
Cảm thông hay lên án? Tùy trường hợp mà suy xét.
Luôn phải vì khán giả
"Hủy show" là hai chữ ngắn gọn nhưng là nỗi kinh hoàng của rất nhiều người. Bên cạnh việc khán giả mất thời gian và tiền bạc để đổi lại nỗi thất vọng, các nhà tổ cũng là đối tượng chịu rất nhiều thiệt hại. Bản thân nghệ sĩ cũng bị tổn thất về danh tiếng.
Chính Ariana Grande từng nhận được sự cảm thông và ủng hộ hết mình từ khán giả sau vụ khủng bố nhắm vào show diễn của cô ở Manchester (Anh) hồi tháng 5. Nhiều fan lo lắng cho cô thậm chí còn cầu xin cô hủy nhiều show sau đó để hạn chế nguy cơ khủng bố và tạo điều kiện cho cô nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần.
Nhưng sự cảm thông đó không phải là vô điều kiện, nhất là khi nỗi sợ khủng bố đã tạm lùi xa.
Tùy trường hợp mà việc hủy show đáng thông cảm hoặc không. Năm 2015, ngôi sao nhạc country Miranda Lambert từng hủy một lúc 3 buổi biểu diễn với lý do "bắt buộc phải nghỉ ngơi để bảo vệ chất giọng".
Nhưng khán giả và truyền thông đều nhận thấy đó là thời điểm nữ ca sĩ vừa bị người chồng 4 năm Blake Shelton đâm đơn ly dị. Hiểu cho nỗi đau tinh thần đó nên người hâm mộ quyết định thông cảm cho cô.
Còn với những ngôi sao "có tật" như Mariah Carey, việc thông cảm đôi khi hơi xa xỉ. Bởi diva có tiếng là đi diễn muộn, không luyện tập và sẵn sàng "xù" show không lý do.
Mariah Carey cũng từng nhiều lần bị chỉ trích. Ảnh: Billboard. |
Sau khi "giọng hát vàng" của Mariah Carey bị mai một theo thời gian, khán giả càng có cớ để soi cách hành xử của cô. Không ít lần, giọng ca One Sweet Day hủy diễn, có lần còn vào phút chót như ở Las Vegas năm 2015.
Nhưng cũng có lần diva nghĩ cho người hâm mộ. Đó là khi cô hủy toàn bộ các show lưu diễn ở Nam Mỹ năm 2016 vì lý do không hài lòng với nhà tổ chức. "Các fan của tôi xứng đáng được đối xử tốt hơn", Carey viết trên Twitter và bày tỏ tình yêu với người hâm mộ để xoa dịu họ.
Có là diva hàng đầu thế giới, các ngôi sao cũng nên hiểu rằng khán giả là điều quan trọng nhất với họ. Bởi vậy, đừng để khán giả cảm thấy bị coi rẻ.