"Đây là thời buổi chúng tôi phải đón nhận nhiều bất ngờ. Khi thức giấc vào ngày hôm sau, có thể mọi thứ đã thay đổi. Tôi thà cẩn thận còn hơn hối tiếc sau này", Catalina Pedace, 25 tuổi, một sinh viên tại Buenos Aires, cho biết.
Trong nhiều đợt biến động kinh tế trước đây, người dân Argentina thường đối diện với các biện pháp hạn chế tiếp cận tài sản gửi ngân hàng. Họ đã quen với việc nhanh chóng rút hết tiền khỏi các ngân hàng và tích trữ tại nhà ngay khi nhìn thấy dấu hiệu siết chặt kiểm soát tiền tệ, theo Reuters.
Trong các cuộc khủng hoảng giai đoạn năm 1989-1990 và năm 2001-2002, nhiều người Argentina chịu lệnh hạn chế rút tiền và không tiếp cận được tài khoản tiết kiệm của họ.
Bạo loạn bùng phát vào cuộc khủng hoảng những năm 2001-2002. Người biểu tình phẫn nộ đập phá và hôi của tại các siêu thị, phá trụ ATM lấy tiền mặt.
Người dân xếp hàng dài bên ngoài Ngân hàng Quốc gia (Banco Nacion) ngày 2/9 chờ rút tiền. Ảnh: Reuters. |
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ chưa dẫn đến bất ổn trật tự xã hội. Tuy nhiên, lo ngại của thị trường gia tăng sau khi ứng viên đối lập Alberto Fernandez vượt qua Tổng thống Mauricio Macri ở bầu cử sơ bộ ngày 11/8.
Niềm tin của các nhà đầu tư sụp đổ khiến giá cổ phiếu, trái phiếu và đồng peso lao đao. Tổng thống Macri tuần trước phải điều chỉnh lịch đáo hạn trái phiếu chính phủ.
Ông ra lệnh siết chặt kiểm soát tiền tệ vào ngày 1/9. Giá trái phiếu Argentina rơi xuống mức thấp kỷ lục ngay ngày hôm sau.
Quy định mới cấm người dân mua vào hơn 10.000 USD/tháng hoặc tiến hành các khoản giao dịch vượt mốc này mỗi tháng. Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) nói người dân không bị cấm rút tiền từ tài khoản.
Theo dữ liệu từ BCRA, làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng đã bắt đầu từ trước khi chính phủ siết chặt kiểm soát tiền tệ. Tổng tiền gửi ngày 27/8 còn 31,55 tỷ USD, giảm mạnh so với 35,24 tỷ USD trước ngày bầu cử sơ bộ.