Theo CNBC, tình trạng lạm phát toàn cầu đang ảnh hưởng nặng nề đến gã khổng lồ công nghệ Apple. Tính đến hết tháng 5, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ đã vọt lên 8,6%, mức cao nhất kể từ năm 1981.
Bên cạnh sự gia tăng về chi phí hậu cần và lương nhân viên, Apple cũng phải đối mặt với xu hướng hạn chế chi tiêu của người dùng. Đáng nói, việc nguồn cung bị gián đoạn sau khi Trung Quốc phải trải qua nhiều tháng phong tỏa vì Covid-19 có thể ảnh hưởng đến khoản doanh thu trị giá 8 tỷ USD.
Chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm
Dù nắm giữ quyền định giá sản phẩm trong tay, Apple quyết không nâng giá iPhone ở thị trường Mỹ. Thay vào đó, hãng thường xuyên điều chỉnh giá bán trên thế giới trước những biến động về tỷ giá tiền tệ. Hãng cũng có một số năm thay đổi cơ cấu định giá trong giai đoạn ra mắt sản phẩm mới vào mùa thu.
“Lạm phát đã và rõ ràng ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp và chi phí vận hành của chúng tôi trong quý trước”, Tim Cook, CEO Apple, nhận định.
Theo dữ liệu của FactSet, tỷ suất lợi nhuận gộp của Apple quý trước là 43,7%, cao hơn kỳ vọng của giới phân tích nhưng giảm nhẹ so với quý IV/2021, mức cao nhất kể từ năm 2012. CFO Luca Maestri dự kiến trong quý II/2022, con số này sẽ thu hẹp còn 42-43%.
Nguồn cung của Apple bị ảnh hưởng do Trung Quốc phong tỏa hàng tháng trời vì Covid-19. Ảnh: TechnoBreak. |
Chi phí hoạt động của quý I/2022 là 12,58 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II, Apple dự báo chi phí hoạt động có thể tăng lên 12,8 tỷ USD, chủ yếu xuất phát từ chi phí vận chuyển.
Hãng cũng gặp tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu như silicon hay chip bán dẫn do Trung Quốc phong tỏa nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, Cook cho biết giá thành vật liệu đang dần được cải thiện.
Về vấn đề lao động, Apple đang tăng lương cho nhân viên doanh nghiệp và bán lẻ để đáp ứng điều kiện thị trường, giữ chân nhân sự đồng thời cạnh tranh với một số đối thủ như Google, Amazon, Microsoft.
“Hầu hết công ty mà chúng tôi theo dõi đều sụt giảm biên lợi nhuận do lạm phát chi phí. Dẫu vậy, danh mục chi phí của Apple tương đối ổn định nhờ sự bù đắp của chi phí hàng hóa với chi phí nhân công và hậu cần”, Katy Huberty, nhà phân tích của Morgan Stanley, nhận định.
Song, việc lạm phát và điều kiện vĩ mô ảnh hưởng đến nhu cầu của người dùng đang là viễn cảnh tồi tệ nhất của Apple. Các nhà kinh tế cho biết trong giai đoạn suy thoái kinh tế hoặc khi sức mua giảm, người dùng thường ngừng mua hoặc nâng cấp các loại hàng hóa lâu bền, bao gồm đồ điện tử.
“Trong trường hợp của Apple, họ có một hệ sinh thái rất mạnh và khách hàng trung thành. Nhưng phần lớn doanh thu phát sinh từ hoạt động bán sản phẩm, trong đó nhóm khách hàng trung thành đóng vai trò quan trọng. Nếu kinh tế suy thoái, khách hàng có thể trì hoãn việc mua hoặc nâng cấp sản phẩm”, Toni Sacconaghi, nhà phân tích của Bernstein, chia sẻ.
Phụ thuộc vào tầng lớp khá giả
Vào tháng 4, hãng công nghệ cho biết nhu cầu vẫn được duy trì cũng như chưa xuất hiện dấu hiệu suy giảm niềm tin của người dùng. Mặt khác, hãng đang phải đối mặt với vấn đề đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho khách hàng.
Hiện thị trường smartphone và máy tính xách tay đang thoái trào. Dẫu vậy, các mẫu điện thoại thuộc phân khúc cao cấp vẫn bán chạy hơn so với dòng giá rẻ ngay cả khi doanh số tổng thể đã bắt đầu giảm.
Hôm 30/6, Micron Technology - nhà cung cấp bộ nhớ cho các thiết bị của Apple - cảnh báo doanh số bán smartphone và máy tính cá nhân sẽ điều chỉnh đáng kể so với ước tính trước đó khi nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Một phần nguyên nhân được xác định do lạm phát trên thế giới.
Nhóm khách hàng giàu có đóng góp quan trọng cho doanh thu của hãng. Ảnh: CNN. |
Counterpoint Research ước tính các lô hàng phân khúc cao cấp có giá từ 400 USD trở lên đã giảm 8% trong quý I/2022 so với mức 10% của toàn thị trường.
Apple có thể đỡ lấy một số loại chi phí phát sinh. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của hãng vẫn tăng trưởng trong hai năm qua và duy trì tỷ suất lợi nhuận ổn định khiến các đối thủ phải ghen tị.
Ngoài ra, khách hàng của Apple thường có nguồn tài chính ổn định hơn so với nhóm khách hàng dùng thiết bị Android, những người có xu hướng lựa chọn dựa trên giá cả.
Trong thị trường “siêu cao cấp” và các dòng điện thoại có giá trên 1.000 USD, Apple chiếm 66% số lượng máy xuất xưởng trong quý đầu tiên.
Counterpoint Research cho biết tình trạng lạm phát toàn cầu có thể tác động đến các phân khúc rẻ và vừa. Một cuộc khảo sát của Morgan Stanley vào tháng 6 cũng cho thấy 70% người dân Mỹ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong 6 tháng tới vì lạm phát. Dẫu vậy, các gia đình giàu có (nhóm khách hàng chính của Apple) vẫn cảm thấy tích cực về tình hình tài chính cá nhân và quỹ đạo của nền kinh tế.
Trong 5 năm qua, Apple đã nhiều lần tăng giá iPhone. Vào năm 2017, hãng lần đầu tiên giới thiệu mẫu iPhone cao cấp trị giá 1.000 USD và thu hút một tỷ lệ đáng kể khách hàng sẵn sàng trả tiền.
Gần đây nhất, Apple đã âm thầm tăng giá khởi điểm iPhone 12 series, từ 699 USD lên 799 USD vào năm 2020. Hôm 1/7, Reuters cũng đưa tin Apple tăng giá một số sản phẩm tại thị trường Nhật Bản do đồng yên suy yếu.