Apple đứng đầu trong danh sách top 10 các công ty này. Tiếp sau là Amazon và Alphabet (công ty mẹ của Google), rồi đến Berkshire Hathaway, Starbucks, Walt Disney, Microsoft, Southwest Airlines, FedEx và JPMorgan Chase.
Tiêu chí xếp hạng của Fortune dựa trên ảnh hưởng của “các công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới” với cuộc sống hàng ngày, tất nhiên gồm cả doanh thu khủng và mức độ chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Tuy nhiên, khi xét trên các khía cạnh khác, danh sách top 10 của Fortune cũng gây khá nhiều tranh cãi. Điển hình như Apple, dù giữ vị trí quán quân nhưng liên tiếp gánh các chỉ trích trong thời gian qua.
Cộng đồng iFan đang sôi sục lên án Apple vì cố tình làm chậm iPhone. Chỉ khi bị bóc mẽ, Apple mới thừa nhận việc làm này, đồng thời buộc phải xin lỗi khi sự việc đi quá xa.
Đích thân Tim Cook phải xin lỗi về sự cố Apple làm chậm iPhone. |
Hàng loạt vụ kiện tập thể đang nhắm vào Apple, trong đó có cả cáo buộc hình sự. Liên quan tới sự cố làm chậm iPhone, Apple đang bị điều tra tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Italy.
Trong một tin tức liên quan khác, Apple vừa thông báo kế hoạch trả thuế một lần lên tới 38 tỷ USD cho toàn bộ số tiền cất giữ ở nước ngoài. Apple sẽ mang về Mỹ khoảng 200 tỷ USD sau khi chính phủ nước này áp dụng chính sách giảm thuế.
Phần lớn tiền của Appe để tại Trung Quốc, nơi hãng này đang chi cho sản xuất iPhone và các sản phẩm khác. Nhiều năm qua, Apple bị cho là phớt lờ cảnh báo về điều kiện làm việc tệ hại trong các nhà máy sản xuất linh kiện cho hãng này.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng công nhân tự tử tại các nhà máy làm thuê cho Apple cũng không được giải quyết dứt điểm. Mới nhất là vụ công nhân nhà máy sản xuất vỏ iPhone tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc phải làm việc trong môi trường độc hại.
Tuy nhiên, ngay sau đó Apple đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này khi cho rằng đội điều tra của hãng không tìm thấy dấu hiệu vi phạm nào.
Đứng vị trí thứ ba trong danh sách “các công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới” là Alphabet, công ty mẹ của Google, đơn vị sở hữu kênh chia sẻ video nổi tiếng YouTube.
Bản thân YouTube cũng dính nhiều điều tiếng trong thời gian qua, đặc biệt là việc để lọt nội dung không phù hợp vào kênh video trẻ em, tình trạng tin tức giả mạo lan rộng và video sắp xếp sai vị trí dẫn tới phản cảm.
Ngay cả hãng lớn như Amazon cũng không thoát khỏi chỉ trích. Các nhân viên kho hàng Amazon tại Plainfield, Indiana phàn nàn về tình trạng không được sưởi ấm trong cái lạnh tê tái của mùa đông.
Rồi đến JPMorgan Chase cũng dính bê bối tham nhũng và phải chi tiền dàn xếp mới xong chuyện. Dĩ nhiên, những cái tên còn lại trong danh sách cũng không phải “thiên thần” như nhiều người từng nghĩ.