Theo Bloomberg, Apple bị buộc bồi thường 837,8 triệu USD, phần 270,2 triệu USD còn lại thuộc về Broadcom. Đây là số tiền phạt liên quan đến bản quyền lớn nhất kể từ đầu năm nay và lớn thứ 6 trong lịch sử tư pháp Mỹ.
Trong đơn kiện gửi lên tòa án Liên bang có trụ sở ở Los Angeles từ năm 2016, CalTech cho rằng chip Wi-Fi của Broadcom xuất hiện trên hàng trăm triệu iPhone và sản phẩm khác của Apple vi phạm sáng chế liên quan đến công nghệ truyền dữ liệu mà họ đã được cấp phép.
Tòa tuyên bố chip Wi-Fi bên trong iPhone, iPad và hàng loạt thiết bị khác của Apple vi phạm bằng sáng chế. Ảnh: Reuters. |
Cả Apple và Broadcom đều tuyên bố sẽ kháng án. "Trong khi cảm ơn hoạt động tích cực của bồi thẩm đoàn, chúng tôi không đồng ý với cơ sở thực tiễn, pháp lý của phán quyết và dự định kháng cáo", nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu nước Mỹ cho biết.
Ở chiều ngược lại, CalTech rất hài lòng khi tòa xác định Apple và Broadcom đã vi phạm bằng sáng chế. "Là một tổ chức giáo dục đại học phi lợi nhuận, Viện cam kết bảo vệ tài sản trí tuệ của mình để tiếp tục sứ mệnh mở rộng kiến thức và mang lại lợi ích cho xã hội thông qua nghiên cứu tích hợp với giáo dục", phát ngôn viên của tổ chức này tuyên bố.
Theo Reuters, Broadcom là một trong những nhà cung cấp linh kiện lớn nhất của Apple. Trong năm tài chính 2019, 1/5 doanh thu của tập đoàn này đến từ hợp đồng với gã khổng lồ xứ Cupertino. Tuần trước cả hai đạt thỏa thuận cung ứng chip trị giá đến 15 tỷ USD.
Nhiều năm qua, Apple liên tục đưa các đối thủ ra tòa với cáo buộc vi phạm bản quyền, nhưng cũng không ít trường hợp họ ngồi ghế bị đơn. Năm 2019, họ phải trả cho Qualcomm một khoản tiền được đồi thổi lên đến hàng tỷ USD nhằm kết thúc cuộc tranh chấp kéo dài liên quan đến bằng sáng chế modem không dây.