Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Apple trước vòng vây điện thoại Trung Quốc

Tại nhiều thị trường trọng điểm như Trung Quốc, châu Âu, Đông Nam Á, Apple đang gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các hãng di động Trung Quốc.

Với hầu hết người Mỹ, những cái tên này không thân thuộc, đôi khi rất khó để đánh vần: Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo.

Đây là những thương hiệu smartphone lớn nhất của Trung Quốc. Trên toàn cầu, không gồm Mỹ, các nhà sản xuất này đang bành trướng thị phần. Tuần trước, khi Apple cảnh báo về doanh số đáng thất vọng của iPhone, nhiều chuyên gia tin rằng di động Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến điều đó.

Dien thoai Trung Quoc dau Apple anh 1
Apple đang gặp khó trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hãng di động Trung Quốc.

Di động Trung Quốc đánh chiếm châu Âu

Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc bão hòa, các nhà sản xuất nước này đang nỗ lực chiếm lĩnh các thị trường như Pháp, Đức, Ấn Độ, Đông Nam Á -nơi người tiêu dùng cảm thấy điện thoại Trung Quốc có thể làm được mọi thứ giống iPhone, trong khi giá bán rẻ hơn rất nhiều.

Apple vẫn giữ vị trí số một tại nhiều thị trường, kể cả Trung Quốc, cho những chiếc di động cao cấp nhất. Tuy nhiên những công ty như Huawei đang dần chiếm lĩnh phần còn lại bằng cách cạnh tranh sòng phẳng về giá bán cũng như trải nghiệm. Hãng đưa người dùng vào một cuộc so sánh mà ở đó, họ có thể suy nghĩ lại về quyết định mua iPhone của mình.

Khác biệt về giá là rất rõ ràng. Tại Trung Quốc, một chiếc iPhone XR có giá từ 950 USD, trong khi smartphone cao cấp nhất của Huawei có giá 600 USD. Điện thoại Xiaomi thậm chí còn rẻ hơn. iPhone XS có giá khoảng 1.250 USD.

Việc những công ty như Huawei, Oppo ngày càng cải tiến sản phẩm và chất lượng tổng thể trên smartphone đã thuyết phục được cả những người giàu ở Trung Quốc, theo Mo Jia - nhà phân tích của Canalys.

Những chiến dịch marketing và bán hàng mạnh mẽ tại châu Âu của các hãng di động Trung Quốc cho thấy, họ tin rằng có thể thuyết phục nhóm khách hàng truyền thống sử dụng iPhone.

“Có thể điều đó chưa xảy ra trong năm nay hoặc năm sau”, ông Jia nói. “Nhưng Huawei đang đi theo hướng đó”.

Tại thị trường châu Âu, Huawei đang là nhà sản xuất lớn thứ 2. Không chỉ đơn giản hiện diện tại các cửa hàng, Huawei còn tài trợ những buổi hòa nhạc mùa hè tại Hy Lạp, hợp tác với liên đoàn bóng rổ Lithuania, hỗ trợ tổ chức “Lễ hội Trung Quốc” tại Đức. Trong khi đó, Vivo là nhà tài trợ chính của World Cup 2018 diễn ra tại Nga.

Dien thoai Trung Quoc dau Apple anh 2
Điện thoại Mate 20 Pro trưng bày tại cửa hàng của Huawei tại Bắc Kinh.

Xiaomi, ra đời vào năm 2010, là nhà sản xuất lớn thứ 4 tại châu Âu năm 2018, theo Canalys. Hãng này giữ vị trí số một tại Ấn Độ, một phần nhờ chính sách mở hàng trăm cửa hàng tại các vùng nông thôn.

Giá rẻ, chất lượng không thua kém

Clement Blaise, nhân viên ngân hàng 25 tuổi tại Pháp, sử dụng một chiếc iPhone cho công việc và một chiếc Xiaomi cho nhu cầu cá nhân. Anh nói phải sạc chiếc iPhone “suốt ngày” nhưng có thể đi đâu đó 2 ngày không cần sạc với chiếc Xiaomi.

“Chúng ta đang có nhận thức sai lầm rằng điện thoại Trung Quốc không tốt, rằng sản phẩm của họ là đồ rẻ tiền”, Blaise nói. “Nhưng khoảng cách về giá có thể xóa nhòa nỗi lo đó. Với 150 euro, bạn còn sợ cái gì?”

Các hãng di động Trung Quốc thực tế gần như chưa thể tiếp cận thị trường Mỹ. Chính phủ Mỹ nhiều năm qua đã cố ngăn chặn smartphone và thiết bị viễn thông của Huawei vì mối lo an toàn thông tin. Chính quyền Tổng thống Trump đang cố thuyết phục các đồng minh phương Tây làm điều tương tự.

Mặc dù vậy, có vẻ như nỗ lực của ông Trump chưa đem lại kết quả. Giannis Vassilopoulos, một sinh viên đại học ở Athens, nói rằng anh bị “bỏ bom” bởi những quảng cáo của Huawei trong suốt chuyến du lịch vòng quanh châu Âu vừa qua. Anh nói anh đã mua một chiếc điện thoại Huawei vì thương hiệu này đang ngày càng thân thuộc tại châu Âu.

Apple vẫn có lượng người dùng trung thành lớn tại nhiều nơi. CEO Tim Cook nói hãng kỳ vọng đạt doanh thu kỷ lục tại một số nước giàu có như Đức, Italy, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và một vài thị trường mới nổi như Malaysia, Mexico và Việt Nam.

Dien thoai Trung Quoc dau Apple anh 3
7/10 hãng di động dẫn đầu thị phần tại Trung Quốc là nhà sản xuất nội. Số liệu của Canalys, tính đến tháng 11/2018.

Trong khi đó tại Trung Quốc, thị phần Apple đã sụt giảm mạnh. Công ty này hiện đứng thứ 5 về doanh số, theo Counterpoint.

Hiện nay, Huawei là hãng di động đứng đầu tại Trung Quốc. Vivo, Oppo - 2 nhà sản xuất có cùng công ty mẹ - đứng ở vị trí kế tiếp, sau đó là Xiaomi, khi họ có một lượng fan lớn với các nhóm sản pahmar gia dụng thông minh.

Samsung, hãng di động lớn nhất thế giới, chỉ có 1% thị phần tại Trung Quốc.

Feng Yin, kỹ sư 32 tuổi, sở hữu một chiếc iPhone nhưng đang xem xét chuyển sang điện thoại Huawei. “Vài năm qua, công nghệ trên điện thoại Apple không có đột phát, trong khi công nghệ trên các mẫu điện thoại nội ngày một tốt hơn”, anh nói trong khi đang ghé thăm một cửa hàng của Huawei ở Thượng Hải. “Khác biệt ngày càng nhỏ”.

Định kiến với điện thoại Trung Quốc đang bị xóa dần

Sản phẩm Apple từ lâu được xem là món đồ thời thượng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đang sử dụng những chiến dịch marketing khôn khéo đánh vào camera, thời lượng pin trên điện thoại của họ cũng như hợp tác với những người nổi tiếng để lôi kéo tập khách hàng mới.

Xian Longfei, bếp trưởng nhà hàng, và một người bạn có mặt tại cửa hàng Oppo ở Thượng Hải. Khi nhắc đến các thương hiệu điện thoại, ông Xian cho biết đã thử qua nhiều hãng: Nokia, Motorola, Samsung và 3 mẫu iPhone khác nhau. Ông đã chuyển qua điện thoại Oppo vài tháng trước.

Dien thoai Trung Quoc dau Apple anh 4
Cửa hàng của Xiaomi tại Mong Kok, Hong Kong. 

Ông cho rằng điện thoại Apple vẫn tốt hơn về tổng thể. Nhưng rất nhiều bạn bè của ông tại Thượng Hải và quê nhà đều dùng Oppo. Giá bán của chúng -khoảng 400 USD - là điểm đáng cân nhắc. “Kiểu dáng cũng rất ổn”, ông nói -cầm trên tay chiếc di động màu hồng của mình.

“Tại sao người dùng phải trả giá cao cho một chiếc iPhone”, Kirianjeet Kaur -nhà phân tích của IDC đặt câu hỏi. “Khi mà về mặt kiểu dáng, nó không hơn gì điện thoại Huawei trong khi về mặt phần mềm, càng chẳng có thứ gì giữ chân được người dùng”.

Tại châu Âu, những người mua smartphone Trung Quốc mô tả họ từng trải qua một vài quốc tranh cãi. Khi Alessandro Del Mastro, 33 tuổi, mua một chiếc điện thoại Huawei tại Italy 3 năm về trước, anh khá hoài nghi. “Bạn bè tôi nói rằng nó sẽ nhanh hỏng, giống với hầu hết sản phẩm Trung Quốc khác. Nhưng họ đã sai”, anh nói.

Gregory Lauseiro, một nhân viên nhà mạng tại Paris, mua chiếc Huawei thứ 8 vào mùa hè năm ngoái. Anh đã thuyết phục thành công một người dì 56 tuổi của mình mua điện thoại Huawei. “Tôi không thực sự lo lắng về việc nó là điện thoại Trung Quốc”, bà Jankowski nói. “Nếu tôi phải mua một chiếc chảo chống dính Trung Quốc, tôi sẽ cân nhắc”, bà nói. “Nhưng điện thoại thì không”.

Khi nào smartphone Trung Quốc thôi sao chép iPhone?

Gần đây, smartphone Trung Quốc nổi lên nhờ được trang bị nhiều công nghệ mới nhưng vẫn có mức giá phải chăng. Tuy nhiên, phần mềm lại là yếu tố kìm hãm sự phát triển của chúng.





Minh Đăng

Theo NY Times

Bạn có thể quan tâm