Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Apple Trung Quốc' chuẩn bị vào Việt Nam từ 2 năm trước

Hãng điện thoại đến từ Trung Quốc đã có những bước đi rất khẽ trước khi chính thức đổ bộ vào thị trường hơn 80 triệu dân.

Quay ngược lại thời điểm năm 2012, khi cái tên Xiaomi vẫn đang là một hiện tượng tại Trung Quốc với các kỷ lục bán hàng qua Internet. Ngay trong năm đó, họ đã vung tiền mua hàng loạt các tên miền bên ngoài thị trường Trung Quốc như Việt Nam, Singapore, Philippines, Malaysia,...như một sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai gần. Tính đến nay, hãng điện thoại này đã có mặt tại 6 nước châu Á, và mới đây, Xiaomi đã đặt bút ký hợp tác với DigiWorld, một nhà phân phối tại Việt Nam để chính thức bán sản phẩm của hãng. 

Xiaomi đã mua và "nuôi" tên miền Xiaomi.vn từ 2 năm trước.

Đến năm 2014, một lượng nhỏ hàng "xách tay" của Xiaomi bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Những model như Redmi 1S, Redmi Note nhanh chóng gây chú ý đến một bộ phận người dùng nhờ có mức giá rẻ so với cấu hình. Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ với hãng này khi cách đây ít tháng, truyền thông trong nước và khu vực rộ lên thông tin smartphone Xiaomi tự động gửi dữ liệu cá nhân của người dùng về máy chủ tại Trung Quốc. Vụ việc gây ồn ào trong khoảng một tháng, với hàng chục bài viết đưa ra những bằng chứng về mặt kỹ thuật, cũng như ý kiến của các chuyên gia bảo mật. Xiaomi chưa chính thức vào Việt Nam, nhưng đã bị dính một vết chàm. 

Tuy đến tháng 12/2014, Xiaomi mới công khai kế hoạch bán smartphone tại Việt Nam, smartphone của hãng này thực chất đã được bán "thăm dò" nhiều tháng tại các thành phố lớn thông qua một vài đại lý lớn. "Đại lý có thể thỏa thuận mua hàng trực tiếp từ nhà máy Xiaomi ở Trung Quốc mà không cần thông qua nha phân phối", một nguồn tin của Zing.vn cho biết. 

Cũng theo người này, Xiaomi đã chủ động "chào hàng" trước với với những đại lý có hệ thống cửa hàng lớn. Tại thời điểm đó, Xiaomi chưa có đối tác phân phối chính thức tại Việt Nam, nên việc đổi trả bảo hành do các đại lý chuyển thẳng về nhà máy tại Trung Quốc. 

Như vậy, Xiaomi đã có một bước chạy đà trước khi vào Việt Nam qua các kênh chính thức. Hãng điện thoại này không chọn kênh bán hàng trực tuyến như tại Trung Quốc mà chọn phương án "nhập gia tùy tục" khi tiếp cận Việt Nam, dù trước đó đã xuất hiện tin đồn rằng Xiaomi sẽ bán điện thoại thông qua một trang thương mại điện tử lớn. 

Redmi 1S đã "âm thầm" được bán tại Việt Nam ngay trong tháng 12/2014, ngay khi DigiWorld trở thành nhà phân phối của Xiaomi. Ảnh: Filckr.

Hiện tại, ngay sau khi ký kết với DigiWorld, Xiaomi đã bắt đầu chính thức bán ra mẫu Redmi 1S (hay còn gọi là Hong Mi tại TQ). Model này có giá 3,8 triệu đồng, cao hơn 500 ngàn đồng so với giá xách tay.

Theo thông tin trong một email từ nhà phân phối đến một đại lý ở TP.HCM, Redmi 1S bán tại Việt Nam có hai màu đen và trắng, lô hàng đầu tiên số lượng hạn chế. Đại lý được "bảo vệ giá" trong vòng 3 tháng. 

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Anh Văn, đại diện hệ thống CellphoneS cho rằng mức giá chính hãng và xách tay chỉ chênh nhau vài trăm ngàn nhưng được thêm bảo hành và thời hạn đổi trả, nên nhiều khả năng hàng xách tay khó có thể cạnh tranh được với hàng chính hãng. "So với Pantech, Xiaomi có thể khả quan hơn nhờ vào chính sách giá và một nhà phân phối tốt. Trong khi Pantech tiếp cận Việt Nam chỉ với 1-2 model và các đại lý cũng chưa thực sự chào đón các sản phẩm này", ông này nhận định.  

Xiaomi sẽ gia nhập thị trường Việt Nam tháng này

Theo đó, Xiaomi sẽ cho bán mẫu Redmi 1S trước tiên tại Việt Nam với giá 3,8 triệu đồng, những sản phẩm như Redmi Note và Mi4 sẽ được bán sau.


Duy Tín

Bạn có thể quan tâm