Ngày 1/3, Apple cho biết đã ngừng bán iPhone và những sản phẩm khác trên website tại Nga sau xung đột với Ukraine. Khi đặt hàng từ trang web, người dùng sẽ nhận thông báo "không thể giao hàng".
Từ tuần trước, Táo khuyết đã ngừng xuất khẩu sản phẩm sang các kênh bán lẻ tại Nga. Dịch vụ thanh toán Apple Pay tại Nga cũng bị giới hạn. Trong khi đó, ứng dụng tin tức RT News và Suptnik News bị vô hiệu hóa khỏi App Store ngoài nước này.
Thông báo "không thể giao hàng" khi mua thiết bị Apple trên website tại Nga. Ảnh: MacRumors. |
Tại Ukraine, tính năng theo dõi kẹt xe, tai nạn trên đường của Apple Maps bị vô hiệu hóa để đảm bảo an toàn cho người dân.
"Chúng tôi rất lo ngại về cuộc tấn công của Nga tại Ukraine, luôn sát cánh cùng những người phải gánh chịu hậu quả... Chúng tôi đang hỗ trợ nhân đạo, viện trợ khủng hoảng tị nạn đang diễn ra và làm mọi thứ để hỗ trợ đội ngũ của chúng tôi tại khu vực", đại diện Apple cho biết.
Trong email gửi đến nhân viên, CEO Tim Cook cũng tiếp nhận quyên góp để ủng hộ Ukraine. Công ty sẽ đối ứng số tiền đóng góp của nhân viên từ ngày 25/2 theo tỷ lệ 2:1, sau đó ủng hộ cho các tổ chức đủ điều kiện.
Sau khi Ukraine bị tấn công, các hãng công nghệ lớn chịu áp lực về cắt giảm dịch vụ, hoạt động tại Nga. Ngày 25/2, Phó thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov đã yêu cầu CEO Tim Cook ngừng bán sản phẩm và dịch vụ của Apple tại Nga, kể cả quyền truy cập kho ứng dụng App Store, WSJ đưa tin.
Theo dữ liệu của IDC, Apple là hãng smartphone lớn thứ 3 tại Nga trong quý III/2021 với thị phần 15%, xếp sau Samsung và Xiaomi. Ngoài Apple, Dell cũng tạm ngừng bán các sản phẩm tại Nga từ 1/3. Công ty cho biết đang theo dõi tình hình, đồng thời đưa ra kế hoạch hỗ trợ các nhân viên bị ảnh hưởng từ cuộc tấn công.
Trước đó, Phó thủ tướng Ukraine Fedorov còn đề nghị Elon Musk, CEO công ty khai phá không gian SpaceX gửi chảo thu tín hiệu Starlink để người dân có thể truy cập Internet nhanh chóng. Yêu cầu này được tỷ phú nhanh chóng chấp nhận.
Một cửa hàng ủy quyền của Apple tại Moscow (Nga). Ảnh: Engadget. |
Tại Ukraine, YouTube đã hạn chế quyền truy cập kênh của hãng thông tấn RT tại Ukraine, trong khi tính năng xem trực tiếp tình hình giao thông trên Google Maps cũng bị vô hiệu hóa.
Về phía Nga, Roskomnadzor, cơ quan quản lý viễn thông và Internet tại nước này đã ban hành lệnh hạn chế truy cập Facebook. Thông báo của Roskomnadzor cho biết Facebook đã chặn một số cơ quan truyền thông của Nga, bao gồm RIA Novosti, lenta.ru và gazeta.ru.
Đáp trả hành động từ chính phủ Nga, Nathaniel Gleicher, Giám đốc Bảo mật Facebook tuyên bố cấm các cơ quan truyền thông Nga chạy quảng cáo hoặc kiếm tiền trên nền tảng, tiếp tục gắn nhãn các nội dung có nguồn gốc từ một số trang tin của Nga.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và sẽ tiếp tục cập nhật các động thái bảo vệ người dùng trên nền tảng", Gleicher cho biết.