Vài năm nay, Apple đã giới thiệu hoặc làm mới toàn bộ dải sản phẩm liên quan đến máy tính của mình, từ MacBook, Mac mini tới màn hình. Tuy nhiên, còn một phụ kiện khác mà hãng nên nghĩ tới việc nâng cấp, đó chính là dòng router AirPort.
Cách đây 5 năm, dòng máy Mac chẳng khác gì mớ hỗn độn khi MacBook Pro bị loại bỏ các cổng quen thuộc, bổ sung thanh Touch Bar, "hy sinh" hiệu năng để đổi lấy thiết kế mỏng nhẹ.
Mac Pro với thiết kế "thùng rác" không được lòng người dùng chuyên nghiệp, các dòng Mac mini và MacBook Air không được nâng cấp trong nhiều năm. Táo khuyết cũng gây tranh cãi khi "khai tử" dòng màn hình và router Wi-Fi được người dùng đánh giá cao.
Những dòng Mac gần đây đã có sự cân bằng về hiệu năng, thời lượng pin và thiết kế. Apple cũng trở lại làm màn hình với Studio Display. Tuy có giá cao, tần số quét 60 Hz và chất lượng webcam chưa tốt, sản xuất màn hình là động thái được nhiều người dùng Mac ủng hộ.
Dòng AirPort của Apple bị ngừng bán từ năm 2018. Ảnh: DetroitBORG. |
Khi Apple ra mắt màn hình mới, Gurman nhận định dòng router Wi-Fi AirPort chính là "mảnh ghép" còn thiếu để hoàn thiện dòng máy tính Mac.
Mẫu router Wi-Fi đầu tiên được Apple ra mắt tại sự kiện Macworld 1999, có tên AirPort Base Station với ý tưởng rất đơn giản. Thay vì cắm cáp Ethernet vào máy tính, người dùng sẽ gắn dây vào AirPort để thiết bị phát Wi-Fi, cho phép truy cập Internet không dây ở bất cứ đâu trong nhà.
Trước khi giới thiệu AirPort, cố CEO Steve Jobs đã trình làng iBook với kết nối Wi-Fi. Để trình diễn tính năng này, ông đã cầm chiếc laptop đi khắp sân khấu, luồn qua vòng lắc bụng để chứng minh thiết bị có thể truy cập Internet mà không cần cắm dây.
Apple ra mắt thêm nhiều mẫu AirPort trong 15 năm tiếp theo, gồm AirPort Express để phát Wi-Fi và stream nhạc không dây. Trong khi đó, AirPort Extreme bổ sung một số tính năng như cổng USB. Cuối cùng là AirPort Time Capsule tích hợp ổ cứng để sao lưu dữ liệu từ máy Mac.
Đến năm 2016, Apple giải tán đội ngũ phát triển AirPort, lên kế hoạch ngừng sản xuất thiết bị. Đến năm 2018, các sản phẩm AirPort đã bị ngừng bán. Khi truy cập trang AirPort trên website Apple, người dùng được gợi ý mua các dòng Wi-Fi lưới (mesh) của Linksys hỗ trợ nền tảng nhà thông minh Apple HomeKit.
Hiện tại, người dùng vẫn có thể mua các mẫu AirPort cũ trên Internet. Tuy nhiên theo Gurman, đây là lúc thích hợp để Apple "hồi sinh" dòng AirPort với công nghệ mesh như các dòng router hiện đại khác. Mesh là hệ thống gồm một router chính và các router vệ tinh đặt xung quanh nhà, giúp tăng vùng phủ sóng, đảm bảo kết nối ổn định.
Apple có thể tích hợp AirPort vào loa thông minh tương tự Nest Wifi của Google. Ảnh: Forbes. |
Router Wi-Fi mesh cho tốc độ cao và ổn định, tuy nhiên nhiều hệ thống khó thiết lập, không kết hợp tốt với iPhone, iPad hay Mac như AirPort, vốn được Apple phát triển ứng dụng riêng có tên AirPort Utility để quản lý. Nếu Táo khuyết ra mắt router Wi-Fi mesh với khả năng đồng bộ tốt, đó sẽ là đối thủ đáng gờm với dòng Nest Wifi của Alphabet (Google) hay Amazon Eero.
Một gợi ý khác là Apple có thể kết hợp router Wi-Fi mesh với các dòng loa thông minh, ví dụ như HomePod mini để thu hút người dùng. Đó cũng là chiến lược của Google với dòng Nest Wifi, tích hợp loa thông minh và trợ lý ảo Google Assistant.