Apple loay hoay tự cứu mình giữa căng thẳng Mỹ - Trung
Nếu như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Apple chính là công ty bị thiệt hại nhiều nhất. CEO Tim Cook đang cố hết sức để tránh điều này.
Cả thế giới đều biết tới Timothy Cook trong vai trò lãnh đạo cao nhất của Apple. Thế nhưng, vài tháng gần đây, vai trò của ông giống như một "đại sứ" của Apple tại đất nước tỷ dân. Ông xuất hiện ở Mỹ và Trung Quốc để gặp lãnh đạo hai nước, kêu gọi những “cái đầu lạnh” từ đôi bên.
Nhìn vào tình hình kinh doanh của Apple từ khi Tim Cook lên nắm quyền, dễ hiểu tại sao ông lại lo ngại đến thế khi Mỹ và Trung Quốc xung đột thương mại. Nếu như di sản của Steve Jobs là những sản phẩm đột phá, thì những gì Tim Cook tạo ra cho Apple chính là sự bùng nổ về doanh thu và giá trị trong 7 năm qua.
Trong thành công này, Trung Quốc góp phần lớn nhất. Doanh thu của Apple tại đất nước này lên tới 44 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 1/5 tổng doanh thu của hãng. Đó là một thành quả đáng khâm phục trong hoàn cảnh Trung Quốc siết chặt Internet và gây khó dễ cho một loạt công ty Mỹ khác.
Apple có 41 cửa hàng chính hãng tại Trung Quốc, và năm ngoái bán được tới 41 triệu chiếc iPhone tại nước này. Ảnh: NYT. |
Là công ty công nghệ Mỹ thành công nhất tại Trung Quốc, Apple cũng sẽ là công ty bị thiệt hại nhiều nhất nếu hai nước tiếp tục đưa ra các hình phạt thương mại. Chính quyền của Tổng thống Trump vừa dọa áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Mặc dù được chính Tổng thống Trump đảm bảo những sản phẩm của Apple sản xuất tại Trung Quốc sẽ không nằm trong diện áp thuế, Apple vẫn lo ngại những động thái trả đũa của Trung Quốc sẽ khiến họ bị ảnh hưởng.
Không chỉ là một thị trường, Trung Quốc còn là nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất của Foxconn. Chỉ cần có một chút chậm trễ trong quá trình xuất khẩu hay kiểm định an ninh tại Trung Quốc, hàng trăm ngàn chiếc iPhone sẽ chậm tới tay khách hàng. Apple từng bị hoãn cấp phép kinh doanh iPhone 6 tại Trung Quốc vào năm 2014, và mới tháng trước một công ty Mỹ khác là Ford cũng bị “trừng phạt” theo cách như vậy.
Chiến dịch Táo đỏ
Những lãnh đạo cấp cao và các nhà vận động hành lang của Apple đang liên tục xuất hiện tại cả Bắc Kinh và Washington dưới sự chỉ đạo của Tim Cook. Tại Foxconn, người ta thậm chí đặt một tên riêng cho nỗ lực kết thân với lãnh đạo Trung Quốc: chiến dịch Táo đỏ.
Kể từ năm 2016, sau khi Trung Quốc gỡ bỏ danh mục Phim và Sách trên iTunes, Tim Cook đã nhiều lần xuất hiện để gặp gỡ những quan chức đứng đầu nước này. Cuối năm 2017, ông xuất hiện tại cuộc gặp do Chủ tịch Tập Cận Bình tổ chức sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chỉ hai tháng sau, ông tiếp tục có mặt tại Đại hội Internet thế giới, sự kiện do Trung Quốc tổ chức để tuyên truyền về chính sách internet.
Từ năm 2016, Tim Cook liên tục gặp gỡ, tiếp xúc các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Ảnh: NYT. |
Apple đã mở hai trung tâm nghiên cứu tại Trung Quốc, đầu tư 1 tỉ USD vào ứng dụng gọi xe Didi Chuxing, và năm ngoái bổ nhiệm một vị giám đốc gốc Trung Quốc vào vị trí Giám đốc thị trường Trung Quốc, do Tim Cook trực tiếp chỉ đạo. Apple cũng nhiều lần làm theo các chỉ đạo từ chính quyền Trung Quốc, như lưu trữ dữ liệu tại server trong nước hay loại bỏ các ứng dụng khỏi App Store.
Quan điểm được ông Cook đưa ra là Apple đang giúp thay đổi Trung Quốc từ bên trong. Chia sẻ tại một sự kiện của Fortune, ông cho biết:
“Mỗi quốc gia đều có những điều luật riêng. Bạn có hai lựa chọn: tham gia hay đứng ngoài và kêu gào. Để thay đổi bạn cần phải tham gia, bởi chẳng có gì có thể thay đổi từ bên ngoài”.
Hứa hẹn với Tổng thống Mỹ
Cùng lúc đó, Cook cũng thường xuyên gặp gỡ với tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo để bày tỏ lo ngại chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ, và tất nhiên là ảnh hưởng tới Apple. Trong cuộc gặp với ông Trump vào tháng trước, ông Cook đã khen ngợi chính sách thuế mới, không quên nhắc lại cam kết đóng góp tới 350 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ trong 5 năm tới.
Tim Cook đưa ra rất nhiều hứa hẹn với Tổng thống Trump trong các cuộc gặp. Ảnh: NYT. |
Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Tổng thống cho biết trong cuộc gặp Tim Cook liên tục hứa hẹn về kế hoạch xây nhà máy, trụ sở mới để tạo ra thêm việc làm. Cùng lúc đó, Cook cũng đưa ra quan điểm của ông về các hình phạt thương mại, cho rằng đây giống như một loại thuế khác đối với người tiêu dùng. Trước đó, Tổng thống Trump từng nói rằng Apple sẽ sớm xây nhiều nhà máy tại Mỹ. Apple không xác nhận, nhưng cũng chẳng phủ nhận những phát ngôn này.
Trao đổi với New York Times, một nguồn tin giấu tên cho rằng Tim Cook khá tự tin sẽ không có thêm các hình phạt từ Mỹ và Trung Quốc, do những bất đồng trong nội bộ Nhà Trắng.
Apple không thể chủ quan
Dù vậy, Apple không thể chủ quan. Họ có những lợi ích quá lớn và không thể để mất tại Trung Quốc. Theo nhà phân tích Neil Campling, tổng giá trị kho hàng hóa của Apple đã tăng tới 70% chỉ trong 3 tháng đầu năm lên mức 7,6 tỉ USD, cho thấy họ đang tích trữ linh kiện để đề phòng sự cố có thể xảy ra.
Trái với vẻ lo ngại của Apple, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ khác lại ít bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại. Google sở hữu hệ điều hành Android mà đa số hãng smartphone Trung Quốc đang dùng, nhưng lợi nhuận từ Android chủ yếu đến từ các dịch vụ Google đi kèm. Tại Trung Quốc, phần lớn các dịch vụ này đều bị chặn và mỗi nhà sản xuất lại phát triển kho ứng dụng riêng. Nếu Google ngừng cung cấp hệ điều hành Android, sẽ chỉ có các hãng smartphone Trung Quốc bị thiệt hại.
Tương tự Google, Facebook cũng bị chặn tại Trung Quốc. Amazon có hoạt động tại Trung Quốc nhưng doanh thu của họ chẳng thể so nổi với những công ty nội địa như JD hay Alibaba. Nói cách khác, Google, Facebook và Amazon gần như không phải lo lắng đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Cho tới lúc căng thẳng giữa hai bên giảm nhiệt, Tim Cook sẽ là nhà lãnh đạo duy nhất trong làng công nghệ đóng vai trò của một nhà ngoại giao: niềm nở với Trung Quốc và hứa hẹn với Mỹ.