Một năm trước, FBI đưa ra yêu cầu đầy tính thách thức với Apple. Để truy cập vào bên trong một chiếc iPhone của tội phạm, họ muốn công ty tạo ra một phiên bản phần mềm có thể hack mọi loại iPhone.
Đứng trước áp lực lớn lao của chính quyền và các nhà làm luật, Apple tỏ ra cứng rắn. Tim Cook – CEO của công ty – nói họ có nghĩa vụ đạo đức và tài chính để bảo vệ sự riêng tư và bảo mật của khách hàng.
Apple tỏ ra thận trọng với từng đường đi nước bước của mình tại Trung Quốc. Những năm gần đây, họ liên tiếp dính phải rắc rối liên quan đến pháp lý với chính quyền và các công ty địa phương. Ảnh: Business Insider. |
Vụ việc qua đi. Chính phủ Mỹ mắt nhắm mắt mở bỏ qua cho Apple khi công ty này nói ra rả về sự tự do và riêng tư của khách hàng.
Tuy nhiên, trong vụ việc gỡ bỏ các ứng dụng VNP mới đây ở Trung Quốc theo yêu cầu của chính quyền, người ta thấy một Apple hoàn toàn khác.
Táo khuyết đã gỡ bỏ hàng loạt ứng dụng VNP – chương trình cho phép người dùng iPhone vượt qua kiểm duyệt của chính quyền – khỏi kho ứng dụng App Store tại Trung Quốc.
Các nhà phát triển ứng dụng này buộc phải đăng ký với chính phủ thông qua một đạo luật an ninh mạng, có hiệu lực từ tháng 1. Luật này yêu cầu áp dụng xử lý hình sự với Apple và các công ty lưu trữ ứng dụng chưa đăng ký.
“Bất kể Apple làm gì trong bí mật để chống lại luật Internet Trung Quốc, công ty này tuyệt nhiên chưa đưa ra lời chỉ trích nào nhắm vào chính quyền trước công chúng”, New York Times bình luận. Chia sẻ trước báo giới, Apple chỉ nói hãng “được yêu cầu gỡ bỏ một vài ứng dụng VPN chưa đáp ứng yêu cầu tại Trung Quốc”.
Tìm kiếm trên website của Apple, người ta chắc chắn không thấy một bức tâm thư của Tim Cook, chỉ trích việc xâm phạm quyền riêng tư và tự do ngôn luận của khách hàng, giống với những gì ông làm cách đây một năm trước yêu cầu của chính phủ Mỹ.
Chính ứng dụng của New York Times trên iPhone cũng bị gỡ bỏ tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Theo các nhà phân tích, Apple đang tỏ ra “ngoan như một đứa trẻ” tại Trung Quốc – nơi sở hữu tập khách hàng lớn nhất của họ, cũng là công xưởng sản xuất ra những chiếc iPhone xuất đi toàn thế giới.
Sự im lặng này, theo NY Times, mang tính chiến thuật. Chính phủ Trung Quốc không thích những lời công khai khiển trách. Eva Galperin, Giám đốc an ninh mạng tại Electronic Frontier Foundation nói: “Phản ứng của Apple rất đáng thất vọng. Tôi nghĩ Apple có thể đóng một vai trò lớn hơn nhưng nhìn từ bên ngoài, rõ ràng họ đang không làm gì cả”.
VPN là cách để mã hóa dữ liệu bản gửi và nhận qua kết nối Internet. Chúng cung cấp một số tính năng bảo mật khi sử dụng Wi-Fi công cộng. Tại Trung Quốc, chúng được dùng để truy cập các trang bị chặn bởi tường lửa của Trung Quốc.
Nhiều trang tin của Mỹ khẳng định sẽ thật ngây thơ khi kỳ vọng Apple có động thái công khai nào đó nhắm vào chính phủ Trung Quốc. Công ty lớn nhất thế giới thậm chí còn đưa ra hàng loạt động thái “vỗ về” như đầu tư vào Trung Quốc, ra các sản phẩm dành riêng cho thị trường này.
Sự im lặng của Apple không gây bất ngờ. Các hãng công nghệ Mỹ có thói quen chỉ trích quyết định của quan chức nước mình nhưng dường như không muốn làm điều đó tại Trung Quốc. Cuối tuần trước, Amazon cũng bắt đầu cấm các dịch vụ VPN trên nền tảng điện toán đám mây AWS.
Facebook, Google đều tìm mọi cách để được quay lại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Xiao Quiang – nhà hoạt động nhân quyền tại trường đại học California nhận định đây là hành động thể hiện sự yếu kém của Apple. “Ít nhất, họ nên có một lời giải thích công khai về lý do tại sao phải gỡ bỏ các ứng dụng đó. Thái độ này có thể khiến hình ảnh của họ xấu đi trên phạm vi toàn cầu”.