Từ tháng 6, trung tâm dữ liệu của Apple tại Quý Dương, Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động. Táo khuyết sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu người dùng Trung Quốc về máy chủ tại trung tâm dữ liệu mới. Theo New York Times, đây được coi là động thái nhằm tuân thủ luật an ninh mạng có hiệu lực từ năm 2017 tại Bắc Kinh.
Trong bài viết, nhóm tác giả bài viết trên New York Times cho rằng Apple có thể đã nhượng bộ chính phủ Trung Quốc trong các hoạt động kiểm duyệt và giám sát người dân, bởi Táo khuyết có những lợi ích kinh doanh tại thị trường này trong gần hai thập kỷ qua.
Apple bị phản đối vì thỏa hiệp
Trong bài báo của mình, nhóm tác giả của New York Times cho biết các công chức Trung Quốc là những người quản lý máy chủ ở các trung tâm dữ liệu mới. Dù công nghệ mã hóa được Apple áp dụng tại mọi trung tâm dữ liệu khác, nó lại không xuất hiện trên hệ thống máy chủ ở Trung Quốc. Khóa số được lưu ngay trong máy chủ ở trung tâm dữ liệu.
Apple được cho là đã nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề quản lý dữ liệu iCloud. Ảnh: CIO. |
Vì những thay đổi này, Apple gần như không thể ngăn chính phủ Trung Quốc truy cập vào email, ảnh, dữ liệu, vị trí của hàng triệu người dùng tại Trung Quốc, New York Times trích nhận định của các chuyên gia bảo mật và kỹ sư Apple.
Trong phản hồi tới New York Times, Apple cho biết họ tuân thủ luật pháp Trung Quốc và làm mọi cách để đảm bảo dữ liệu người dùng được an toàn.
Apple rõ ràng là đang ở thế khó. Mất thị trường Trung Quốc, họ sẽ mất rất nhiều tiền.
Washington Post
"Chúng tôi chưa bao giờ hi sinh sự bảo mật dữ liệu người dùng ở Trung Quốc hoặc bất cứ quốc gia nào có hoạt động", phản hồi của Apple nêu rõ.
Đại diện của Apple cũng khẳng định công ty vẫn kiểm soát các khóa dữ liệu của người dùng Trung Quốc, và công nghệ mã hóa sử dụng tại Trung Quốc là công nghệ hiện đại nhất của hãng, còn mạnh hơn ở một số quốc gia khác.
Theo bài viết trên New York Times, đối tác lưu trữ dữ liệu của Apple tại Trung Quốc là Guizhou-Cloud Big Data hay GCBD. Công ty này do chính quyền tỉnh Quý Châu, Trung Quốc sở hữu. Gần đây, Apple đã cập nhật điều khoản sử dụng đối với khách hàng Trung Quốc, trong đó GCBD được liệt kê như công ty cung cấp dịch vụ.
Điều khoản này có một quy định không xuất hiện ở các quốc gia khác: Apple và GCBD có quyền truy cập mọi dữ liệu lưu trữ trên dịch vụ, và có thể chia sẻ dữ liệu này theo luật phù hợp.
Trung Quốc là thị trường quan trọng của Apple. Khoảng 20% doanh thu của Táo khuyết đến từ nước này. Ảnh: Getty. |
New York Times cho rằng đây là cách Apple "lách" luật của Mỹ về chia sẻ dữ liệu với chính phủ nước ngoài. Nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu truy xuất dữ liệu, họ sẽ làm việc với GCBD chứ không phải Apple.
Trong bài xã luận, Washington Post cho rằng Apple đã bị ép phải nhượng bộ tại Trung Quốc, bởi nếu cứng rắn họ sẽ mất rất nhiều tiền.
"Dù vậy, việc chấp thuận các yêu cầu ngày càng khó khăn không chỉ làm hư hại các giá trị mà Apple theo đuổi, mà còn mở đường cho các quốc gia khác đưa ra những yêu cầu tương tự", báo Washington Post nhận định.
Apple không khác biệt ở Trung Quốc
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu Trung Quốc, ông Xu Qinduo, học giả cấp cao tại viện nghiên cứu chính sách công Pangoal Institution cho rằng việc Apple có những nhượng bộ không phải là điều bất ngờ, ít nhất là với người Trung Quốc.
Ông Xu Qinduo cho rằng không có sự khác biệt nào trong các dịch vụ trên iCloud tại Trung Quốc kể từ khi việc chuyển đổi máy chủ diễn ra. Những thông tin về việc một số ứng dụng biến mất hay chuyển đổi sở hữu của dữ liệu không phải là chủ đề nóng trong nước.
Chuyên gia này cũng cho rằng người Trung Quốc không mấy quan tâm việc dữ liệu có bị kiểm soát hay không, bởi chính phủ nước này vốn đã thu thập và nắm giữ thông tin của công dân thông qua nhiều hình thức.
“Bản thân người Trung Quốc hiểu rằng miễn là họ đang lên mạng thì chia sẻ dữ liệu với Apple, Google, Alibaba, Tencent hay thậm chí các tập đoàn nhà nước khác thì dữ liệu cũng vượt ngoài tầm kiểm soát của họ”, ông Xu Qinduo nhận định.
Tại Trung Quốc, Apple dường như đang có cách tiếp cận khác về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu người dùng. Ảnh: Bloomberg. |
Không chỉ những gã khổng lồ công nghệ có gốc gác từ phương Tây, cả Alibaba và Tencent cũng đang nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định ngày càng nghiêm ngặt từ chính phủ Trung Quốc liên quan đến việc thu thập dữ liệu.
Làn sóng áp dụng các quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng và an ninh mạng đã bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây tại các quốc gia Châu Á. Tranh cãi cũng từ đó nảy sinh liên quan đến các vấn đề về kiểm duyệt, giám sát, hay quyền con người.
Theo quan điểm của ông Xu, do chính phủ Trung Quốc đặt nặng việc bảo vệ thông tin của họ khỏi bị đánh cắp bởi các quốc gia khác, các công ty đa quốc gia không có cách nào khác ngoài chuyển địa điểm lưu trữ dữ liệu về Trung Quốc.