Năm ngoái, tòa án Bắc Kinh phán quyết iPhone 6 vi phạm bản quyền thiết kế của một mẫu điện thoại Trung Quốc và yêu cầu Apple ngừng bán thiết bị. Apple khi đó nhanh chóng kêu gọi tòa án xem xét lại quyết định và tạm thời vẫn bán bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus tại thị trường này.
Giờ đây, tòa án Bắc Kinh đã thay đổi phán quyết ban đầu.
Theo thông tin từ South China Morning Post, tòa án đã đưa ra quyết định mới theo hướng có lợi cho Apple. Họ thừa nhận Apple không vi phạm bất kỳ bằng sáng chế về thiết kế nào. Quyết định này cũng đánh dấu kết thúc tranh chấp của Apple với Baili - công ty của Trung Quốc.
Tòa án Bắc Kinh từng đưa ra phán quyết khẳng định Apple ăn cắp thiết kế của công ty Baili nhưng hiện tại, họ đã thay đổi quyết định. Ảnh: Fossbyte. |
Tòa án “hủy bỏ quyết định ban đầu” và “phát hiện ra Apple không vi phạm bản quyền thiết kế của công ty Baili có trụ sở tại Thẩm Quyến, theo phán quyết của tòa án nhân dân.
Phán quyết mới đây còn khẳng định iPhone 6 “có thể dễ dàng phân biệt trong mắt người dùng”.
Vụ kiện được khơi mào bởi công ty sản xuất điện thoại thông minh Baili, cho rằng thiết kế của iPhone 6, 6 Plus sao chép thiết kế chiếc điện thoại thông minh 100C của họ. Cơ sở cho tuyên bố này là việc cả 2 thiết bị đều có cạnh cong và góc tròn.
Thời điểm đó, công ty này đang đối mặt với tương lai ảm đạm. Họ đứng trên đà sụp đổ khi nhận nhiều chỉ trích về chất lượng sản phẩm, trong bối cảnh điện thoại thông minh giá rẻ lên ngôi tại Trung Quốc.
Gây ra một cuộc chiến pháp lý với Apple là một trong số ít những cách Baili có thể làm để tự cứu mình bởi nếu chiến thắng, họ có cơ hội nhận một khoản đền bù không nhỏ. Tuy nhiên, mọi chuyện đã tan thành mây khói.
Trong suốt cả năm qua, Apple luôn khẳng định đây là một vụ kiện “hài hước” và phán quyết này đại diện cho chiến thắng của công ty. Hiện tại, Táo khuyết đang tham gia vào nhiều vụ kiện pháp lý, chẳng hạn với Nokia và Qualcomm.
Việc những công ty như Apple bị “làm khó” bởi doanh nghiệp địa phương tại Trung Quốc không phải chuyện hiếm. Báo chí Mỹ nhiều lần lên tiếng về việc chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn các công ty địa phương, gây khó dễ cho các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại đây. Bản thân Apple cũng phải nhún nhường khá nhiều để được hiện diện tại thị trường đông dân nhất thế giới.