Apple đang thực sự đầu tư vào công nghệ màn hình micro OLED. Theo Nikkei, hãng này đang kết hợp với TSMC, đối tác gia công chip để sản xuất loại màn hình công nghệ mới này tại một nhà máy bí mật ở Đài Loan.
Công nghệ màn hình chưa từng xuất hiện
Lý do Apple phát triển màn hình micro OLED với TSMC, chứ không phải hãng chuyên về hiển thị như Samsung hay LG, là vì công nghệ micro OLED khác biệt hẳn so với LCD hay OLED. Thay vì được tích hợp vào tấm kính như màn hình thông thường, điểm ảnh sẽ được tích hợp trực tiếp lên đĩa bán dẫn, là bề mặt chứa các chất bán dẫn để tạo nên chip.
Điều này giúp cho màn hình mỏng hơn, nhỏ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Những ưu điểm này cho phép Apple tích hợp màn hình micro OLED vào những thiết bị đeo thực tế ảo tăng cường.
Apple phát triển công nghệ Micro OLED song song với Micro LED, nhằm ứng dụng vào các sản phẩm khác nhau. Ảnh: TrendForce. |
Tuy nhiên, công nghệ micro OLED mà Apple đang phát triển mới chỉ ở bước thử nghiệm, và sẽ phải mất nhiều năm mới có thể đưa vào sản phẩm. Những màn mẫu hiện tại có kích thước chưa đến 1 inch.
"Các hãng làm màn hình thì có khả năng làm màn to, nhưng với các thiết bị mỏng và nhẹ như AR thì bạn cũng cần màn hình nhỏ tương ứng. Apple hợp tác với TSMC để phát triển công nghệ vì chuyên môn của hãng sản xuất chip này là làm những thứ cực kỳ nhỏ và tốt, trong khi Apple cũng có rất nhiều kiến thức về màn hình sau quá trình làm việc với các đối tác khác", Nikkei dẫn lời nguồn tin gần với bộ phận nghiên cứu phát triển của dự án.
Eric Chiou, nhà phân tích về công nghệ màn hình tại TrendForce cho rằng micro OLED là công nghệ phù hợp nhất cho các thiết bị AR.
"Công nghệ này là sự kết hợp của cả công nghệ hiển thị lẫn bán dẫn. Tuy nhiên, nó mới chỉ ở bước phát triển đầu tiên, và có ít khả năng là Apple tích hợp công nghệ này lên sản phẩm AR trong 1-2 năm tới", ông Chiou nhận xét.
Apple đã tuyển dụng nhiều chuyên gia về hiển thị ở AU Optoelectronics cùng nhiều hãng Nhật khác để nghiên cứu công nghệ micro OLED. Mọi nhân sự tham gia vào dự án này đều phải ký những thỏa thuận bảo mật, đảm bảo không tiết lộ thông tin kể cả với người thân, bạn bè. Đầu tuần này, Apple cũng đăng tuyển vị trí nghiên cứu về màn hình, kiểm thử làm việc tại quận Long Đàm, thành phố Đào Viên.
Nỗ lực tránh phụ thuộc của Apple
Dự án này tiếp tục cho thấy mối quan hệ bền chặt của Apple và TSMC, nhà cung cấp chip duy nhất cho Táo khuyết. Bên cạnh dòng chip A trên iPhone, iPad, TSMC còn gia công chip M1 trên MacBook. Đây là đối tác hiếm hoi mà Apple ngày càng phụ thuộc, thay vì tìm giải pháp thay thế.
Ngoài micro OLED, Apple cũng đang theo đuổi công nghệ micro LED và đặt mục tiêu đưa lên Apple Watch, iPad và MacBook trong tương lai gần. Micro LED có cách hoạt động gần giống công nghệ màn hình LED, nhưng với những bóng phát sáng kích cỡ nhỏ hơn nhiều. Nhờ đó, màn hình micro LED mỏng hơn.
Các nhà phân tích cho rằng việc Apple cố gắng nghiên cứu những công nghệ màn hình mới là để tránh phụ thuộc vào Samsung. Samsung hiện là nhà cung cấp màn hình OLED duy nhất cho Apple, được sử dụng trên toàn bộ dòng iPhone 12. Trên thế hệ iPhone mới, màn hình OLED là linh kiện đắt thứ hai, chỉ sau modem 5G của Qualcomm.
Khu nhà nghiên cứu của Apple tại quận Long Đàm, thành phố Đào Viên. Ảnh: Bloomberg. |
"Không phải mọi công nghệ mà Apple phát triển đều có thể đưa lên sản phẩm của họ. Tuy nhiên, Apple vẫn có thể dùng chiến lược đăng ký bản quyền để nắm quyền quyết định đối với thế hệ công nghệ hiển thị tiếp theo", một nguồn tin chia sẻ với Nikkei.
Apple không phải công ty duy nhất đang theo đuổi công nghệ micro OLED. Sony từng tiết lộ đã theo đuổi công nghệ này nhiều năm. Hãng sản xuất màn hình Trung Quốc BOE cũng kết hợp cùng 2 đối tác khác để nghiên cứu micro OLED.
Dự án nghiên cứu micro OLED của Apple được đặt tại những phòng thí nghiệm bí mật ở quận Long Đàm. Khu nhà của Apple tại đây có nhiều tòa nhà hoàn toàn không có logo hay dấu hiệu gì của Apple. Táo khuyết đăng ký chi nhánh tại khu vực này vào năm 2014, và mở rộng hoạt động năm 2020.
Khu nghiên cứu của Apple nằm rất gần nhà máy sản xuất và thử nghiệm chip công nghệ cao của TSMC, trong cùng khu Công viên khoa học Long Đàm.