Suốt nhiều năm bán iPhone tại Việt Nam, Apple chưa một lần lọt vào top 5 thị phần trong nước theo số liệu Canalys. Thế nhưng, vào Q4/2020, trang thống kê số liệu Canalys lại thông báo Apple lọt top 4 với mức tăng trưởng 197%.
Điều này có đồng nghĩa việc người Việt mua iPhone nhiều hơn?
Cách tính số liệu của các đơn vị thống kê
Từ cuối năm 2018, Apple đã ngừng công bố doanh số thiết bị bán ra. Thay vào đó, táo khuyết chọn cách công bố số thiết bị đang hoạt động.
Khi Apple đã chủ động không cung cấp lượng máy bán ra, việc thống kê thị phần trên toàn cầu và tại các quốc gia cụ thể chỉ mang tính ước lượng. Bởi các công ty cung cấp số liệu phải đi thu thập, thống kê từ các nhà bán lẻ. Thế nhưng không phải nhà bán lẻ nào cũng đồng ý chia sẻ doanh số.
Hiện có hai cách thống kê được sử dụng là sell-in và sell-out. Trong đó, sell-in là cách đếm dựa trên số máy mà các nhà bán lẻ nhập vào. Ở cách tính sell-out, đơn vị thống kê sẽ đếm trên số máy mà các đơn vị bán lẻ và nhiều kênh khác bán ra tới tay người dùng cuối.
"Cả hai cách tính trên đều có thể có sai số. Nhưng ở quy mô đủ lớn, nó có thể phản ảnh phần nào cách thị trường đang vận hành", đại diện một thương hiệu di động tại Việt Nam cho biết.
Số liệu iPhone xách tay trước đây chưa phản ảnh đúng thực tế thị trường Apple tại Việt Nam. |
Theo một nguồn tin yêu cầu giấu tên từ GfK, việc từ trước đến nay Apple không lọt vào top thị phần tại Việt Nam trên Canalys là bởi đơn vị thống kê này lấy dữ liệu doanh số sell-in. Trong khi đó, GfK lại thống kê thị phần Apple dựa trên số sell-out, lượng máy bán ra cho người dùng cuối của các chuỗi bán lẻ, kể cả hàng "xách tay" hay nhập khẩu tư nhân.
“Hơn hết, Apple tại Việt Nam trước đây sở hữu những 'lô hàng xám khổng lồ'. Những lô hàng này được bán không chính thức thông qua nhập khẩu tư nhân. GfK có thể thống kê phần nào những lô hàng này còn Canalys chỉ thống kê lô hàng chính thức”, nguồn tin từ GfK cho biết.
Nói cách khác, lượng máy xách tay "khổng lồ" tại Việt Nam trước đây đã bị đơn vị thống kê Canalys bỏ qua.
Vì sao Apple tăng 197% thị phần tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, iPhone chính hãng luôn có mức giá trên 10 triệu đồng. Đây là phân khúc cận cao cấp đến cao cấp. Việc một thương hiệu tăng trưởng 197% ở phân khúc này có thể xem là kỳ tích thị trường.
Thậm chí, mức tăng trưởng trên còn được xem là vô lý khi Apple chỉ chiếm 11% thị phần smartphone. Có nghĩa trước khi tăng trưởng, Apple chỉ chiếm chưa đến 4% thị phần. Trong khi theo số liệu GfK trước đây, Apple duy trì mức ổn định 7%.
Năm 2020, Apple áp dụng nhiều chính sách được cho là để "diệt" hàng xách tay. |
Thế nhưng, lý giải cách tính sell-in và sell-out trên cho thấy "lô hàng xám khổng lồ" trước đây đã giảm mạnh trong Q4/2020.
Và thực tế cũng chứng minh điều đó khi "mùa iPhone 12" vừa qua ghi nhận sự lên ngôi của mã hàng hóa chính hãng VN/A nhờ vào hàng loạt quyết sách của cơ quan quản lý và Apple.
Ngày 15/10, Nghị định 98 chính thức có hiệu lực. Theo đó, các hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hoá khi làm thủ tục hải quan thuộc diện vi phạm nghị định. Nghị định này tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt hàng xách tay trong đó có iPhone.
Tiếp đến là việc Apple đồng loạt mở bán tất cả các phiên bản iPhone tại Việt Nam cùng thời gian với một số quốc gia khác trên thế giới khiến khách hàng trong nước không còn phải đợi chờ 3-4 tuần như trước đây để sở hữu sản phẩm chính hãng.
Sự thay đổi lớn nhất có lẽ đến từ việc lần đầu tiên Apple chiết khấu cho đại lý trong nước. “Đại lý có thể dùng phần chiết khấu này để giảm giá sản phẩm, khuyến mãi, quy đổi ra quà tặng để tăng tính cạnh tranh. Đây là thay đổi đáng hoan nghênh của Apple khi cho phép đại lý đa dạng chính sách bán hàng”, ông Quang Vinh, chủ của chuỗi cửa hàng di động tại Sóc Trăng cho biết.
Điều này có được là do Apple bắt đầu nhìn nhận đúng về tiềm lực của thị trường Việt Nam. “Trong cuộc họp với các đại lý ủy quyền diễn ra vào tháng 11, Apple cho biết thị trường Việt Nam chính thức vượt mặt Thái Lan, trở thành quốc gia tiêu thụ iPhone lớn nhất Đông Nam Á”, đại diện một chuỗi bán lẻ di động lớn tại TP.HCM có mặt trong buổi họp đó chia sẻ với Zing.
Như vậy, nhờ tiềm lực của thị trường Việt Nam đủ lớn, Apple đã có chính sách giá bán và thời gian giao hàng cạnh tranh hơn. Điều này khiến việc doanh số hàng nhập chính ngạch tăng trưởng của hãng là điều dễ hiểu.
Khi số liệu chính ngạch tăng trưởng mạnh, "lô hàng xám khổng lồ" sẽ giảm. Từ đó, việc thống kê theo phương thức sell-in của Canalys bắt đầu chính xác hơn.
Người Việt có mua iPhone nhiều hơn?
Khi khắc phục được lỗ hổng thống kê hàng xách tay trước đây, khoảng cách giữa số liệu sell-in và sell-out bắt đầu được thu hẹp.
Theo thống kê của GfK những năm trước, trung bình thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng hơn 1 triệu chiếc smartphone/tháng. Trong đó, iPhone chiếm 50.000-70.000 máy, tương đương khoảng 5-8% thị phần.
Ước tính mỗi tháng có khoảng 110.000 chiếc iPhone được bán ra tại Việt Nam. |
Hiện GfK chưa công bố số liệu mới nhất về thị trường smartphone tại Việt Nam. Nhưng theo thống kê của Canalys, Apple đang chiếm 11% thị phần.
Đặt trường hợp tất cả iPhone bán ra tại Việt Nam đều qua đường chính thức thì số liệu sell-in của Canalys và sell-out của GfK là tương đương nhau.
Như vậy, với iPhone 12 series, Apple đã tăng từ 3-5% thị phần tại Việt Nam. Đối chiếu với số lượng smartphone trung bình bán ra mỗi tháng trước đây, có khoảng 110.000 chiếc iPhone đã bán ra mỗi tháng dịp cuối năm 2020.
Con số trên chỉ là ước lượng dựa trên số liệu các năm của những đơn vị thống kê. "Tuy vậy, với những động thái mạnh mẽ của Apple trong năm 2020, hàng xách tay có thể sẽ sớm biến mất hoàn toàn tại thị trường Việt Nam. Từ đó tạo điều kiện cho các đơn vị thống kê có cái nhìn chính xác hơn về cách mà Apple đang kinh doanh tại Việt Nam", ông Vinh kết luận.