Sau khi phóng sự điều tra về điều kiện làm việc của công nhân sản xuất iPhone tại nhà máy của Pegatron, ngoại ô Thượng Hải và tình trạng đối tác cung cấp linh kiện thiếc cho Apple sử dụng vật liệu khai thác trái phép được đăng tải trên chương trình BBC Panorama, mũi dùi chỉ trích của dư luận lại tiếp tục nhắm vào Apple.
Trong phóng sự, BBC đã chỉ đích danh Apple chỉ giỏi hứa hão chứ chưa có bất cứ động thái nào để cải thiện tình trạng làm việc tồi tệ tại nơi những chiếc iPhone ra đời.
Phản ứng trước cáo buộc của BBC, Jeff Williams - Phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối tác của Apple - đã gửi đi một email (được đăng tải đầy đủ trên The Telegraph) đến 5.000 nhân viên của Apple tại Anh với nội dung: “Báo cáo của Panorama cho rằng Apple không cải thiện điều kiện làm việc. Hãy để tôi nói với các bạn điều này, không có thông tin nào trong đó là sự thật”.
Ông cho biết, cả ông và CEO Tim Cook đều cảm thấy “bị xúc phạm sâu sắc” bởi những cáo buộc về việc họ phá vỡ lời hứa về việc cải thiện điều kiện làm việc tại các nhà máy và chuỗi cung ứng linh kiện của họ.
Ông này chia sẻ thêm: “Vài năm về trước, phần lớn công nhân tại các chuỗi cung ứng linh kiện của chúng tôi đều phải làm việc khoảng trên 60 tiếng, thậm chí 70 tiếng/tuần là chuyện thường. Tuy nhiên, Apple đã giải quyết vấn đề này bằng cách theo dõi số giờ làm việc hàng tuần của hơn 1 triệu công nhân. Trong năm nay, 93% số công nhân tại các chuỗi cung ứng linh kiện của chúng tôi đều làm việc dưới hạn mức 60 giờ/tuần”.
Về vấn đề BBC phát hiện ra những khu mỏ thiếc trái phép sử dụng cả lao động trẻ em để cung cấp thiếc sản xuất iPhone, vị đai diện Apple cho biết: “Nhóm của chúng tôi đã đến khu vực đó (đảo Bakasa) tại Indonesia và tất nhiên, chúng tôi cảm thấy kinh hoàng trước cảnh tượng ở đó”.
“Apple là công ty đi tiên phong trong việc tạo ra một hiệp hội sản xuất kẽm tại Indonesia, cùng với một số công ty công nghệ khác. Có quá nhiều chuyện xảy ra ở bên ngoài và những gì chúng tôi làm không thể giải quyết hết được vấn đề. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi mỗi con người trong chuỗi cung ứng sản phẩm của chúng tôi nhận được sự tôn trọng mà lẽ ra họ xứng đáng được hưởng”.
Những cậu bé 12 - 14 tuổi được phát hiện đào mỏ thiếc trái phép để bán cho các nhà máy luyện thiếc - là đối tác cung cấp linh kiện cho Apple. Ảnh: BBC |
Trước đó, các phóng viên của BBC đã trực tiếp thâm nhập vào nhà máy sản xuất của Apple, phát hiện công nhân ở đây thường xuyên phải làm việc một ca khoảng 12 - 16 tiếng, có những người phải làm 18 ngày liên tục. Họ thường xuyên ngủ gục ngay tại bàn làm việc và có thể bị điện giật bất cứ lúc nào.
Phóng viên Ceri Thomas của BBC cho biết, họ phát hiện ra vấn đề và thông báo với Apple 2 tháng về trước. Mặc dù Apple tỏ ra vui vẻ thu xếp một cuộc họp không có bất cứ người thứ 3 nào tham dự, BBC cảm thấy rất thất vọng khi công ty không hề chuẩn bị để trả lời các câu hỏi về những vấn đề nói trên.