Vì sao iPhone 16 vẫn bị cấm ở Indonesia? Ảnh: EPA. |
Bloomberg đưa tin Nick Amman, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Apple, đã rời Indonesia ngày 8/1 (giờ địa phương), trong bối cảnh bất đồng chưa được giải quyết.
Thay đổi vào phút chót của Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita đã phá vỡ tiến trình đàm phán. Dù trước đó, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã chỉ đạo các lãnh đạo chấp nhận đề xuất đầu tư trị giá 1 tỷ USD của Apple và chấm dứt lệnh cấm.
Quy định hạn chế iPhone được Indonesia ban hành từ tháng 10, do Apple không tuân thủ các quy định sản xuất nội địa đối với smartphone và laptop. Đề xuất đầu tư 1 tỷ USD bao gồm xây dựng một nhà máy tại đảo Batam, sản xuất thiết bị AirTags.
Đồng thời, hãng cũng hỗ trợ tài trợ cho các học viện đào tạo công nghệ giúp sinh viên học các kỹ năng như lập trình. Táo khuyết đề xuất xây dựng thêm một nhà máy tại Bandung để sản xuất các loại phụ kiện khác.
Tim Cook trong chuyến thăm Indonesia hồi giữa năm 2024. Ảnh: Bisnis. |
Mặc dù Tổng thống Prabowo đã chấp thuận kế hoạch này vào tháng trước, Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita vẫn kiên quyết giữ nguyên lệnh cấm. Ông yêu cầu tập đoàn phải đáp ứng quy định sản xuất nội địa, tức cần chuyển một phần dây chuyển lắp ráp iPhone hoặc các linh kiện.
Theo nguồn tin ẩn danh, vụ việc cho thấy sự mâu thuẫn trong nội bộ chính phủ mới của Indonesia. Đồng thời, nó cũng phản ánh những khó khăn các công ty quốc tế phải đối mặt khi muốn tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn ở các nền kinh tế đang phát triển, giữa bối cảnh chính trị ngày càng biến động.
Apple hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này. Văn phòng Tổng thống và Bộ Công nghiệp Indonesia cũng không phản hồi trước các yêu cầu bình luận từ giới truyền thông.
Nói với Bloomberg, nguồn tin cho biết sau khi nghe đề xuất mở rộng của Táo khuyết trong một cuộc họp cuối tuần vào tháng trước, Tổng thống Prabowo đã bật đèn xanh và chỉ đạo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto đứng ra điều phối và kết thúc đàm phán.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kartasasmita vẫn giữ quan điểm rằng Apple cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sản xuất trong nước. Quá trình đàm phán rơi vào bế tắc.
Hiện tại, các cuộc thương thảo được giao lại cho đội ngũ kỹ thuật của Bộ Công nghiệp. Đứng đầu là ông Setia Darta, Tổng cục trưởng phụ trách ngành công nghiệp kim loại, máy móc, thiết bị vận tải và điện tử.
Trước đó, Bộ trưởng Kartasasmita cũng là người đã ban hành quy định hạn chế nhập khẩu gây tranh cãi vào năm ngoái. Quy định ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước, vì hạn chế nhập khẩu hàng loạt sản phẩm từ MacBook đến lốp xe ôtô.
Mặc dù Phó Chủ tịch Apple Nick Amman đã rời Indonesia, một số thành viên khác trong đội ngũ vẫn ở lại Jakarta để tiếp tục tham gia đàm phán, theo nguồn tin Bloomberg.
Cuộc giằng co giữa Apple và chính phủ Indonesia đã thu hút sự chú ý tới chiến lược của nước này nhằm gây áp lực buộc các công ty quốc tế tăng cường sản xuất nội địa, tạo việc làm và thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng những biện pháp cứng rắn như vậy có nguy cơ làm nản lòng các doanh nghiệp khác muốn mở rộng quy mô hoặc thiết lập hiện diện tại đây. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều công ty đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Bloomberg nhận định.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn