Sau Bắc Mỹ, Trung Quốc trở thành thị trường trọng điểm của Apple. Trong năm tài chính 2015, Trung Quốc đem lại cho Apple 58,72 tỷ USD doanh thu, với tốc độ tăng trưởng đạt 84%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này nhanh chóng sụt giảm trong vài quý gần đây. Tim Cook cũng thừa nhận những tín hiệu không mấy khả quan tại thị trường đem lợi nhuận lớn nhất cho công ty.
Cái bắt tay lịch sử của Tim Cook và chủ tịch China Mobile tháng 1/2014. |
Có nhiều yếu tố khiến Apple lao dốc. Một trong số đó chính là sự cạnh tranh của các nhà sản xuất smartphone nội địa.
Các công ty Trung Quốc nhận thấy tiềm năng của thị trường smartphone, nhanh chóng đi vào sản xuất và giới thiệu hàng loạt các sản phẩm ở mọi phân khúc.
Xiaomi là một ví dụ. Công ty giới thiệu chiếc smartphone mới nhất Mi 5 với thiết kế bắt mắt, phần cứng cao cấp nhưng giá thành chỉ bằng phân nửa iPhone. Không chỉ có Xiaomi, nhiều hãng sản xuất khác cũng ra mắt những sản phẩn có giá thành rẻ với phần cứng hoàn thiện.
Xplay 5 Elite của Vivo có kiểu dáng tương tự iPhone, với màn hình OLED, chip xử lý cao cấp Snapdragon 820, RAM 6 GB, cảm biến vân tay và bộ nhớ trong 128 GB. Sản phẩm có giá 655 USD rẻ hơn iPhone 6S Plus phiên bản 16 GB. Và rất nhiều ví dụ khác chứng tỏ các nhà sản xuất di động nội địa vượt trội hơn Apple tại đây.
Các thương hiệu Trung Quốc đã vươn xa khỏi biên giới quốc gia. Như Xiaomi, chiếc Mi 5 tại sân khấu MWC 2016 được chờ đón như Galaxy S7 hay LG G5. Ngay tại Việt Nam, sản phẩm đến từ Trung Quốc đã có vị thế ổn định.
Xiaomi đang vươn lên trở thành thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới. |
Trong khi đó, Apple phải chăng đã trở nên già cỗi và bảo thủ, từ chính trong thiết kế lẫn phần mềm. Sản phẩm của Táo khuyết không còn những điểm đột phá. iOS dù nhiều tính năng nhưng lại quá phức tạp với người dùng phổ thông.
Theo các nhà phân tích, Apple đang "sa lầy" tại Trung Quốc. Các thiết bị hiện tại không thể cạnh tranh với các model cao cấp nội địa. Tăng trưởng của Táo khuyết chỉ chờ vào sự thành công của thế hệ iPhone 7 phát hành vào tháng 9 tới đây.