Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áp thấp nhiệt đới vẫn ở trên biển

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 vẫn ở trên biển và chưa vào đất liền do không có dòng dẫn. Chuyên gia cho biết không có khả năng hình thái này mạnh trở lại thành bão.

Chiều 12/9, mạng xã hội chia sẻ bài viết liên quan đến nhận định áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 (Conson) có xu hướng mạnh trở lại thành bão khi đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Dự báo này được đưa ra sau khi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) quan trắc được sức gió mạnh lên cấp 7, giật cấp 9 trong những giờ qua.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định khả năng trên không thể xảy ra.

Theo ông Lâm, các ổ mây đối lưu gần tâm áp thấp nhiệt đới đang rất yếu, nguồn năng lượng tiếp sức cho hình thái này bị hạn chế. Áp thấp nhiệt đới vì vậy sẽ suy yếu dần.

Ngoài ra, độ đứt gió (sự thay đổi đột ngột về vận tốc hoặc hướng gió trên một khu vực nhỏ) ở khu vực tâm áp thấp nhiệt đới rất lớn. Nguồn năng lượng kể cả có thì cũng sẽ bị phân tán ra xa, không tập trung ở gần tâm. Vì vậy, chuyên gia cho biết không có khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh trở lại thành bão.

bao so 5 suy yeu thanh ap thap nhiet doi anh 1

Áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm khiến thời gian mưa lớn trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam kéo dài. Ảnh: VNDMS.

Lý giải về việc áp thấp nhiệt đới vẫn ở trên biển trong suốt những giờ qua mà chưa vào đất liền, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết điều này xảy ra do chưa có dòng dẫn cho áp thấp nhiệt đới vào bờ.

Theo chuyên gia, áp thấp nhiệt đới nằm trong sự chi phối của 3 hệ thống áp cao cận nhiệt đới phía bắc, phía đông và phía tây. Những giờ qua, áp thấp nhiệt đới ít di chuyển do áp cao ở phía bắc suy yếu, trong khi 2 hệ thống áp cao còn lại hoạt động ổn định.

Theo cập nhật của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 16h chiều 12/9, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong 12 giờ tới, hình thái này hầu như ít dịch chuyển, sau đó đi chậm theo hướng tây tây bắc với vận tốc 5 km/h và suy yếu thành một vùng áp thấp. Rạng sáng 13/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp nằm trên đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam, sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6.

Cơ quan khí tượng cảnh báo ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên đêm nay (12/9), khu vực từ Đà Nẵng đến phía bắc Quảng Ngãi tiếp tục mưa lớn. Lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

Tại khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, mưa lớn xuất hiện liên tục đến hết ngày 13/9 với lượng dao động 100-200 mm, có nơi trên 200 mm.

Từ chiều 12/9 đến ngày 14/9, vùng mưa lớn mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Khu vực này được cảnh báo lượng mưa 100-150 mm/đợt, một số nơi mưa trên 150 mm.

Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên đêm nay và ngày mai (13/9), khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa dông với lượng phổ biến 20-50 mm. Mưa tập trung về chiều và tối, cục bộ xuất hiện mưa lớn trên 70 mm.

Ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, nhiều tỉnh miền Trung mưa lớn liên tục trong những giờ qua. Từ 7h đến 13h ngày 12/9, một số nơi đã ghi nhận lượng mưa trên 150 mm, tập trung ở Đa Krông (Quảng Trị), Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Thanh Khê (Đà Nẵng), Thăng Bình (Quảng Nam), Bình Sơn (Quảng Ngãi)...

Quảng Trị - Bình Định mưa 350 mm, cảnh báo ngập lụt diện rộng

Cơ quan khí tượng cảnh báo rạng sáng 12/9, lũ trên nhiều sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi khả năng lên trên báo động 1. Ngày mai, mưa lớn tiếp tục diễn ra tại khu vực này.

TP.HCM mưa dông kèm gió lốc

Do chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam cường độ mạnh kết hợp với áp thấp nhiệt đới, TP.HCM có mưa dông kèm dông, lốc chiều nay.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm