Chiều 3/9, áp thấp nhiệt đới trên đất liền (tên quốc tế là Kajiki) đã di chuyển đến khu vực biển các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam. Hiện, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ở cấp 6, giật cấp 8.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng đông đông bắc với vận tốc 5-10 km/h. Đến chiều 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Lúc này, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Những giờ tiếp theo, Kajiki di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc, tăng tốc lên 15-20 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đã có mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ. Tổng lượng mưa đo được trong 3 giờ qua phổ biến ở mức 30-60 mm, có nơi trên 100 mm.
Mưa lớn cục bộ tại các tỉnh Trung Bộ khiến nhiều địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng đô thị. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 3-6 giờ tới, mưa lớn tiếp diễn tại khu vực này khiến nhiều địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Các hiện tượng cực đoan này có khả năng xảy ra ở các huyện miền núi, vùng trũng thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Trị.
Mưa lớn kéo dài được dự báo kéo dài đến hết ngày 5/9, đầu tiên tập trung ở khu vực Nghệ An - Quảng Ngãi, sau đó mở rộng ra khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Theo dự báo, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế sẽ có lượng mưa lên đến 500-700 mm/đợt, khu vực Tây Nguyên có vũ lượng 200-300 mm/đợt và Nam Bộ khả năng mưa 100-150 mm/đợt kèm theo hiện tượng dông lốc.
Cơ quan khí tượng nhận định khu vực các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ trong các ngày 3-6/9. Đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 2-3.
Trước đó, trong cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên đất liền sáng 3/9, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết mưa lớn còn có khả năng gây ra chia cắt và ngập lụt ở một số tuyến đường quan trọng như tuyến quốc lộ 1, tuyến đường sắt Bắc - Nam và đường Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới trên khu vực bắc Biển Đông đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Hiện, vị trí trung tâm vùng áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120 km về phía bắc tây bắc với sức gió giảm xuống dưới cấp 6.
Những giờ tới, vùng áp thấp sau khi di chuyển theo hướng tây bắc, sẽ hướng về phía khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc).