Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, sáng sớm 19/11, sau khi đi vào khu vực vùng biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, bão số bão số 14 (có tên quốc tế là Kirogi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gần bờ.
Hồi 10h cùng ngày, vùng tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 8. Vùng gió mạnh do áp thấp nhiệt đới trên cấp 6, gió giật mạnh cấp 9 có bán kính khoảng 100 km về phía bắc, 80 km về phía nam tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Người dân huyện Ninh Hải, Ninh Thuận neo tàu sáng sớm 19/11. Ảnh: Phước Tuần. |
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Trà Vinh với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 sau đó suy yếu thành vùng áp thấp.
Đến 19h ngày 19/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.
Dự kiến đường đi của áp thấp nhiệt đới trong 24h tới. Ảnh: TTDBKTTVTU. |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Từ đêm 19/11, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh nên vùng mưa lớn mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ).
Theo chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu những cường độ gió vẫn còn mạnh, người dân không nên chủ quan, đặc biệt là các tỉnh Nam Bộ. "Từ trưa nay đến ngày mai, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ sẽ có mưa lớn kèm theo giông, lốc xoáy nên người dân cần đề phòng", bà Lan nhận định.