Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Áp lực và trọng trách lớn của các ‘trường hợp đặc biệt’

Các trường hợp đặc biệt có áp lực, trọng trách lớn vì họ không chỉ gánh vác trách nhiệm trên cương vị cụ thể mà còn phải có trách nhiệm bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo kế cận.

truong hop dac biet o Dai hoi Dang XIII anh 1

“Trường hợp đặc biệt là người có phẩm chất, năng lực nổi trội so với những người khác. Họ phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị từng giữ, và vị trí đó nếu tìm người khác sẽ khó thay thế, hoặc có thay thế sẽ không bằng người đặc biệt”, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông phân tích.

Ông cũng dẫn chứng quyết định sáng suốt của Đại hội Đảng XII khi quyết định “trường hợp đặc biệt” duy nhất trong Bộ Chính trị khóa XII là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được đại hội bầu tiếp tục giữ chức Tổng bí thư khóa XII.

Chia sẻ với Zing ngay sau khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 15 khóa XII kết thúc, các chuyên gia đã góp ý về tiêu chuẩn, điều kiện cũng như trọng trách với những người được lựa chọn là “trường hợp đặc biệt”.

Nguyên tắc xem xét “trường hợp đặc biệt”

Theo ông Lê Doãn Hợp (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông), khi cần thiết phải có “trường hợp đặc biệt”, cần 5 nguyên tắc cụ thể để xem xét kỹ lưỡng.

Một, đã là trường hợp đặc biệt phải là số ít, ít ai trao giải đặc biệt cho nhiều người. Hai, đã là đặc biệt, chỉ nên dành cho người đứng đầu. Ba, đã là đặc biệt, phải có tín nhiệm cao. Bốn, phải có sức khỏe tốt, đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Năm, cần “trường hợp đặc biệt” là do chưa tìm được người nào thay thế tốt hơn, yên tâm hơn.

Hội nghị Trung ương 15 đã thông qua một số trường hợp "đặc biệt" và danh sách đề cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao. Trong hình là Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Hội nghị Trung ương 15 vừa qua. Ảnh: TTXVN.

Tiếp cận ở một góc nhìn khác, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông cho rằng do quy định về giới hạn độ tuổi cho chính khách, nên vẫn cần có trường hợp đặc biệt. Bởi nhiều chính khách hết độ tuổi theo quy định nhưng vẫn còn sức khỏe, năng lực cống hiến, nếu không tận dụng được sẽ là sự lãng phí nhân tài rất lớn.

Ông Thông nhắc lại giai đoạn trước đây, Đảng ta không có quy định về độ tuổi cho lãnh đạo. Ví dụ ông Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư khi 74 tuổi, ông Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư khi đã 79 tuổi.

Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ ra một số bất cập khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam được nâng lên, Trung ương cũng đã thảo luận, Quốc hội quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng tiêu chuẩn về tuổi với cấp ủy viên và ở Trung ương vẫn như cũ.

“Tôi cho rằng tới đây phải nâng quy định về độ tuổi với các ủy viên Trung ương. Nếu còn giữ quy định về độ tuổi thì các đại hội sau vẫn cần xem xét các trường hợp đặc biệt. Còn nếu quy định chính khách không bị giới hạn độ tuổi, lúc đó sẽ không cần nữa”, ông Thông nêu quan điểm.

truong hop dac biet o Dai hoi Dang XIII anh 2

Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông. Ảnh: Hải Nam.

Về số lượng, ông Thông cho rằng trường hợp đặc biệt không nhất thiết là một người duy nhất. “Ví dụ 2 trường hợp đặc biệt trên tổng số 17 ủy viên Bộ Chính trị, hoặc 4 trường hợp đặc biệt trong số 180 ủy viên Trung ương là tỷ lệ nhỏ nên vẫn được coi là đặc biệt”, chuyên gia phân tích.

Kết quả của lựa chọn “trường hợp đặc biệt”

Từng là ủy viên Trung ương 4 khóa (từ khóa VIII đến XI), đại biểu Quốc hội khóa XIV Vũ Trọng Kim nhắc đến truyền thống trong Đảng là luôn tìm người xứng đáng làm trụ cột.

Ông cho biết từ Đại hội XI đặt ra “trường hợp đặc biệt” - là những người tuổi cao hơn quy định, nhưng lại có năng lực, kinh nghiệm và sự từng trải, rất cần thiết giữ vị trí chủ chốt. Nhờ đó, họ có nhiều điều kiện để dẫn dắt, định hướng cho lớp cán bộ đi sau trong giải quyết những tình huống khó khăn.

Nhìn lại tiền lệ đã có, ông Vũ Trọng Kim đánh giá “những trường hợp đặc biệt được Đại hội XII lựa chọn là rất đúng đắn, sáng suốt. Vì chọn đúng người và đúng việc nên họ đều phát huy rất tốt vai trò trên cương vị “trường hợp đặc biệt”.

“Điển hình như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - khi đó là trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị, ông tiếp tục ở lại một nhiệm kỳ trên cương vị Tổng bí thư và phát huy rất tốt vai trò người đứng đầu Đảng, quy tụ được sức mạnh, sự đoàn kết, phát động, đẩy mạnh khí thế của cuộc đấu tranh chống tham nhũng”, ông Kim dẫn chứng.

Nhìn nhận cơ cấu 3 độ tuổi trong Trung ương là cần thiết, nhu cầu trẻ hóa cán bộ cũng là cần thiết, song ông cho rằng “không phải trẻ hóa để làm trụ cột”. Vì người giữ vị trí trụ cột nhất thiết phải tham gia Bộ Chính trị nhiều khóa mới có đủ năng lực, kinh nghiệm, sự từng trải, hiểu từ công việc nội bộ đến công việc chung, có thể quán xuyến các lĩnh vực khác nhau.

Ngoài những tiêu chuẩn chung, nguyên đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nhấn mạnh một yêu cầu quan trọng là “trường hợp đặc biệt” phải có bản lĩnh, năng lực để giữ vai trò dẫn dắt, quy tụ được sự đoàn kết nội bộ. “Đây là tiêu chuẩn rất quan trọng, vì chỉ khi quy tụ được sự đoàn kết mới tạo ra được sức mạnh”, ông lưu ý.

Cũng theo ông Kim, việc lựa chọn trường hợp đặc biệt là do nhận thức từ thực tế khách quan, không phải ý chí chủ quan của một người hay nhóm người. Hay nói cách khác, “trường hợp đặc biệt” chọn trên từng vị trí cần thiết, đòi hỏi khách quan ở cương vị nào đó cần có nhân vật đặc biệt. Tức là từ vị trí yêu cầu con người chứ không phải từ con người xác lập vị trí.

Vừa lo công việc, vừa lo đào tạo đội ngũ kế cận

Cơ cấu 3 độ tuổi trong Ban Chấp hành Trung ương khóa mới là vấn đề tiến sĩ Lê Thanh Vân (đại biểu Quốc hội) quan tâm. Theo ông, cơ cấu này thể hiện tính kế thừa của các thế hệ cán bộ, không chỉ là kế thừa về thành quả mà kế thừa cả trí tuệ và kinh nghiệm để bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành đất nước.

Nhắc đến “trường hợp đặc biệt”, theo ông Vân, là nhắc đến sự vượt trội của những cá nhân được trui rèn qua thực tiễn. Đó là những người thực sự có đức, có tài, được Đảng, nhân dân tín nhiệm.

“Người được lựa chọn là trường hợp đặc biệt có đủ uy tín và tầm ảnh hưởng để tiếp tục giữ cương vị chủ chốt, cho dù tuổi cao. Trường hợp đặc biệt không có nhiều và khi xem xét, lựa chọn phải dựa vào thành quả, cống hiến, có bằng chứng cụ thể, tin cậy để xét”, ông Vân nói.

Nhấn mạnh yêu cầu về trí tuệ, năng lực, phẩm hạnh và việc giữ các cán bộ ở lại trên cương vị chủ chốt là lợi cho cái chung, ông Vân lưu ý không nên lạm dụng để xét cho người không có thành quả nổi trội, không có tư duy vượt trội.

Đồng thời, ông phân tích những nhân sự thuộc diện đặc biệt này sẽ phải chịu áp lực gánh vác trọng trách rất lớn. “Càng về sau, họ phải càng thể hiện được bản lĩnh kiên cường, trí tuệ và mức độ hiệu quả công việc. Họ luôn phải đặt ra áp lực cao hơn với sự quyết tâm lớn hơn”, vị đại biểu Quốc hội chia sẻ.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhìn nhận Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được cơ cấu có nhiều người trẻ, song trong bộ máy vẫn rất cần những người “gạo cội” dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh và trí tuệ.

Đó chính là “trường hợp đặc biệt” - những người đủ phẩm chất, năng lực để cùng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII dẫn dắt đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.

“Những trường hợp đặc biệt đương nhiên sẽ có áp lực và trọng trách lớn hơn. Vì họ không chỉ đảm đương trách nhiệm mình gánh vác trên cương vị cụ thể, mà còn phải có trách nhiệm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ lãnh đạo kế cận để đảm đương vai trò trong thời gian tới”, ông Phúc phân tích.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15 (khóa XII) ngày 17/1, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số nhân sự lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, bổ sung một số ủy viên Trung ương khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và một số nhân sự lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Ủy viên Trung ương chính thức.

Cũng tại hội nghị, Trung ương đã thông qua danh sách nhân sự là ủy viên Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và danh sách đề cử các đồng chí ứng cử một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIII với số phiếu tập trung rất cao.

'Trường hợp đặc biệt' vào BCH Trung ương được quy định thế nào?

"Trường hợp đặc biệt" là người đã vượt quá quy định chung về độ tuổi nhưng lại rất cần thiết được cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị hay Ban Bí thư.

'Trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị chỉ nên 1-2 người'

"Quyết định cuối cùng về trường hợp đặc biệt là của Đại hội. Sau khi thảo luận tại Đại hội, việc lựa chọn sẽ được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín", ông Vũ Trọng Kim nói.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm