Theo SCMP, động thái mới gây thêm áp lực cho Huawei sau khi chính phủ Anh công bố loại bỏ công ty Trung Quốc khỏi hạ tầng mạng 5G tại quốc gia này.
"Cùng với Mỹ, nước Anh và nhiều quốc gia dân chủ khác đã được 'giải thoát' khỏi các nhà cung ứng 5G kém tin cậy", ông Pompeo nhận định.
Mỹ sắp có quy định mới nhằm gây thêm áp lực cho Huawei. Ảnh: SCMP. |
"Và hôm nay, đến lượt Mỹ và cơ quan của chúng tôi đưa ra thông báo mới về Huawei", ông Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao sẽ áp đặt lệnh hạn chế visa với nhân viên các hãng công nghệ Trung Quốc như Huawei vì "cung cấp vật chất hỗ trợ chế độ vi phạm nhân quyền trên toàn cầu".
Dù vậy, ông Pompeo không nói rõ nhân viên nào của Huawei sẽ thuộc dạng siết chặt visa. Morgan Ortagus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng thành viên gia đình của các nhân viên thuộc diện siết visa cũng có thể đối mặt các hạn chế tương tự.
Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump ký Luật Hong Kong Tự trị và sắc lệnh dừng ưu đãi thương mại với Hong Kong sau khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh cho đặc khu hành chính này.
Luật Hong Kong Tự trị trừng phạt bất kỳ cá nhân nước ngoài nào “đóng góp đáng kể” vào việc vi phạm cam kết của Trung Quốc với Hong Kong theo thỏa thuận chuyển giao giữa Trung Quốc - Anh và Luật Cơ bản của Hong Kong.
Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Anh ghi rằng Hong Kong sẽ “có mức độ tự trị cao” cho đến ít nhất là năm 2047. Các nghị sĩ Mỹ nói Bắc Kinh đang đẩy khung thời gian sớm hơn 27 năm.
Những người bị trừng phạt theo luật sẽ bị cấm vào Mỹ và bị mất kiểm soát đối với các tài sản ở Mỹ. Còn với lệnh dừng ưu đãi thương mại, Mỹ sẽ thu hồi các quyền lợi về giấy phép xuất khẩu của Hong Kong.
Huawei chính thức bị cấm khỏi hạ tầng mạng 5G tại Anh. Ảnh: WSJ. |
Trước đó vào ngày 14/7, chính phủ Anh đã tuyên bố loại bỏ Huawei khỏi hạ tầng mạng 5G tại nước này. Các nhà cung cấp dịch vụ tại Anh được yêu cầu tiến hành từng bước loại bỏ thiết bị mạng 5G có liên hệ với Huawei, công tác này phải hoàn thành vào năm 2027.
Thời gian qua, chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson đứng trước sức ép từ Washington trong việc đảo ngược quyết định cho phép Huawei tham gia không giới hạn vào mạng 5G tại Anh.
Dù vậy, ông Pompeo nói rằng áp lực từ Mỹ không phải nguyên nhân chính dẫn đến quyết định của ông Johnson, cho rằng mọi thứ được đưa ra sau những đánh giá về an ninh do Anh thực hiện.
Hiện Canada là cái tên duy nhất trong Five Eyes - liên minh tình báo gồm 5 nước Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ, chưa có tuyên bố loại Huawei khỏi ít nhất một phần hạ tầng 5G.
Dù chưa có quyết định loại Huawei khỏi mạng 5G, Canada đang đóng vai trò quan trọng trong việc giam giữ Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei.
Bà Mạnh bị cảnh sát Canada bắt giữ tại sân bay Vancouver hồi năm 2018 với cáo buộc lừa dối ngân hàng về mối quan hệ giữa Huawei với một công ty ở Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ lên quốc gia Trung Đông này.
Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh từ Canada để xét xử những cáo buộc về gian lận tài chính. Vụ bắt giữ bà Mạnh năm 2018 đã châm ngòi cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Trung Quốc với cả Mỹ và Canada.