Tổng thống Barack Obama. Ảnh: Reuters |
Trước hầu hết các sự kiện trong và ngoài nước, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Quốc hội Mỹ thường duy trì quan điểm đối lập. Nhưng việc này không lặp lại sau sự kiện nhà báo Sotloff bị sát hại. Cả hai phe đều muốn Tổng thống Obama can đảm đối mặt với nỗi kinh hoàng đang phủ bóng đen lên nước Mỹ.
"Chúng ta phải trao mọi công cụ cho lực lượng chiến đấu dưới mặt đất, để chấm dứt mối đe dọa mà chúng (tổ chức Nhà nước Hồi giáo - IS) đang gây ra", Jeanne Shaheen, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang New Hampshire, hôm qua tuyên bố.
"Chờ đợi không khiến cơn đau dễ được chữa khỏi hơn", Rubio nói.
Nhưng liệu áp lực từ cả hai đảng có khiến chính quyền của Tổng thống Barack Obama đưa ra một cách tiếp cận mới và táo bạo hơn hay không?
"Ông ấy sẽ không đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến trị giá hàng nghìn tỷ USD khác chỉ vì hai nhà báo Mỹ bị sát hại, dù sự việc có nghiêm trọng đến đâu", Aaron David Miller, cựu cố vấn của 6 đời ngoại trưởng Mỹ, hiện là học giả ở Trung tâm Wilson, nói.
Tuy nhiên, việc hai nhà báo bị sát hại chỉ trong vài tuần, cũng như sự gia tăng những cuộc đối thoại mang tính chính trị về một động thái trừng phạt mạnh tay hơn, khiến Miller tin rằng, Tổng thống Obama "không còn biện pháp đối phó nào khác" ngoài việc tấn công IS.
"Rõ ràng, chúng ta phải truy lùng IS ngay lập tức", Bill Nelson, nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Florida, nói.
"Chính quyền của ông Obama đã quá chậm chân trong việc trình bày với Quốc hội, người dân và đồng minh của nước Mỹ trên khắp thế giới về một chiến lược toàn diện, nhằm chống lại mối đe dọa nghiêm trọng của IS", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins nói.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đến từ bang Nam Carolina, một chính trị gia đảng Cộng hòa luôn cho rằng Obama đã quá nhút nhát khi không đáp lại mối đe dọa từ IS, cho rằng, đã đến lúc ngừng nghi ngờ về việc liệu có nên sử dụng sức mạnh không quân của Mỹ có đủ sức tấn công đại bản doanh của IS ở Syria.
"Lên án là không đủ. Đã đến lúc chúng ta phải hành động dứt khoát", Graham nói.
Chính trị gia đảng diều hâu cho rằng, biện pháp không kích nhằm vào các mục tiêu IS ở Iraq đã phát huy hiệu quả. "Chúng ta phải tích cực theo đuổi chiến lược này tại cả Iraq và Syria. Ngài tổng thống, nếu ông không thể thực hiện chiến lược này, ít nhất hãy cho chúng tôi biết mục tiêu đang ở đâu?".
Đoạn video ghi lại cảnh sát hại nhà báo Sotloff được công bố khi Tổng thống Obama đang có chuyến công du tới châu Âu để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tại đây, đại diện các quốc gia thành viên NATO sẽ cùng thảo luận về biện pháp ứng phó với tổ chức Hồi giáo cực đoan IS.
Theo Miller, có một sự thật trớ trêu là, bản thân Tổng thống Obama, người đã rất thành công trong việc sử dụng truyền thông xã hội để giao tiếp, lại bị "chính khía cạnh độc ác và dã man của truyền thông tấn công".
Trong khi đó, một quan chức của bộ Ngoại giao lại cho rằng, cả nước nên bình tĩnh trước sự việc nhà báo Sotloff bị giết hại.
"Rõ ràng, IS là một tổ chức rất tinh vi", phó trợ lý ngoại trưởng Brett McGurk nói. "Bạn không thể chỉ nhập ngũ và cứ thế ném bom, rồi hy vọng mọi việc sẽ ổn thỏa. Bạn phải có cách tiếp cận thực sự tinh vi".
Trong tương lai gần, hầu hết các nhà ngoại giao kỳ cựu và chuyên gia tình báo đều thừa nhận những áp lực mà Nhà Trắng sẽ phải chịu đựng. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo về tính vô dụng của những lời kêu gọi hòa bình.
"Tôi không chắc một hoặc vài trận không kích sẽ mang lại hiệu quả", Miller nói. "Tôi cũng không nghĩ họ đã xác định được mục tiêu cho một trận không kích rõ ràng và toàn diện ở Syria vào lúc này".
Theo đó, Miller tin rằng sự cẩn trọng của tổng thống là có lý do. "Tuy nhiên, việc lo ngại những rủi ro khi tham chiến sẽ đe dọa tới sự nghiệp chính trị của ông ấy".
Trong khi cân nhắc các bước đi ngoại giao và quân sự, Miller và các chính trị gia khác cũng đề nghị tổng thống nên có một bài phát biểu chính thức để giải thích về mối đe dọa của IS, cũng như đưa ra bình luận của riêng ông.
"Nước Mỹ mất đến 10 năm để đánh bại al Qeada", Miller nói. "Với những lợi thế mà IS đang sở hữu, có thể sẽ mất tới 20 năm. Nhiệm vụ ấy sẽ được chuyển giao cho vị tổng thống kế nhiệm. Nhưng ít nhất Obama cũng phải vạch ra một chiến lược cụ thể. Đó là nhiệm vụ của một tổng thống".