Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

AP: 200 nhà báo bị tin tặc Nga nhắm tới

Fancy Bear, nhóm tin tặc "khét tiếng" của Nga, không chỉ nhắm đến chính trị gia mà còn nỗ lực tấn công mạng ít nhất 200 nhà báo, trong đó có nhiều nhà báo theo dõi tình hình Nga.

Đó là mùa đông năm 2015. Phát thanh viên người Nga Pavel Lobkov đang đang ở trong trường quay và chuẩn bị cho chương trình thì nghe tin "sét đánh": Một số hình ảnh thuộc dạng riêng tư nhất của Lobkov đang được lan truyền trên Internet.

Vài ngày trước đó, ngay trong chương trình trực tiếp, Lobkov đã công khai mình nhiễm HIV, một hành động phá vỡ nhiều quy luật bất thành văn và kéo theo sự phản hồi từ hàng trăm người Nga khác cũng đang vật lộn với virus HIV. Sau đó thì Lobkov bị tin tặc tấn công mạng.

"Đó là những tin nhắn rất riêng tư", AP dẫn lời ông Lobkov nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ông kể lại về cuộc gọi trong hoảng loạn đến luật sư, một nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn sự lan truyền của gần 300 trang ghi lại những lời trao đổi qua Facebook, với không ít trong số đó là những tin nhắn nói về tình dục.

"Đó là một chuyện gây sang chấn", ông nói sau 2 năm.

tin tac Nga hack nha bao anh 1
Pavel Lobkov, phát thanh viên và nhà báo của Dozhd Channel, tại trường quay kiêm căn hộ ở Moscow, Nga. Ảnh: AP.

AP đã phát hiện ra rằng ông Lobkov bị một nhóm tin tặc tên là Fancy Bear nhắm đến vào tháng 3/2015, 9 tháng trước khi các tin nhắn bị phát tán. Ông là 1 trong ít nhất 200 nhà báo, blogger và người làm việc trong ngành xuất bản bị nhóm này nhắm đến từ giữa năm 2014 cho đến vài tháng gần đây.

Fancy Bear là nhóm tin tặc đã được các nhà nghiên cứu an ninh mạng nhận diện trong nhiều năm, đặc biệt kể từ vụ tung ra các thông tin sai lệnh về Gruzia. Đây cũng là nhóm được cho đã đứng sau vụ tấn công nhằm vào email các thành viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Emmanuel Macron ở Pháp và chiến dịch của Hillary Clinton tại Mỹ. 

Nhà báo: Nhóm yêu thích thứ ba

Theo danh sách các mục tiêu của tin tặc do hãng an ninh mạng Secureworks thu thập và AP có dịp tiếp cận, nhà báo là nhóm lớn thứ 3 trong số các mục tiêu, sau nhóm nhân sự ngoại giao và các đảng viên Dân chủ ở Mỹ. Trong số này có khoảng 50 nhà báo làm việc cho New York Times, 50 người khác là các nhà báo nước ngoài làm việc tại Moscow hoặc những nhà báo Nga làm việc cho các hãng tin độc lập, tương tự Lobkov. Những người khác là những nhân vật có ảnh hưởng trong giới truyền thông ở Ukraine, Moldova, các nước vùng Baltic hoặc ở Washington.

Theo AP, danh sách các nhà báo bị tấn công mạng đã cung cấp thêm bằng chứng mới cho niềm tin của giới tình báo Mỹ rằng Fancy Bear đã hoạt động dưới sự điều khiển của chính phủ Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ. Các cơ quan tình báo cho rằng tin tặc hành động để giúp Tổng thống Donald Trump, khi đó là ứng viên của đảng Cộng hòa. Trong khi đó, chính phủ Nga đã phủ nhận mọi mối liên hệ với cuộc bầu cử Mỹ.

Trong các bản tin trước, AP đã cho biết Fancy Bear từng sử dụng các email giả mạo để tấn công mạng các lãnh đạo đối lập tại Nga, chính trị gia Ukraine, lãnh đạo ngành tình báo tại Mỹ cùng với chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, John Podesta, và hơn 130 đảng viên đảng Dân chủ khác.

Lobkov nói rằng ông xem vụ tấn công mạng nhằm vào chính mình chỉ là "vở diễn thử" cho cuộc tấn công và làm rò rỉ email của đảng Dân chủ tại Mỹ vào năm 2016.

"Tôi nghĩ các tin tặc ở Tổ quốc sẽ luyện tập trên mảnh sân của chúng tôi trước khi chinh chiến ở nước ngoài", ông nói.

tin tac Nga hack nha bao anh 2
Brian Bonner (bên phải), Tổng biên tập Kyiv Post, cùng các nhà báo tại tòa soạn ở Kiev, Ukraine. Ảnh: AP.

"Truyền thống của KGB"

Đó là năm 2015, Masha Gessen kể lại, khi Secureworks bắt đầu phát hiện các nỗ lực nhằm tấn công vào hộp thư Gmail của cô. Đến khi đó, Gessen, một nhà văn tại New York, mới để ý đến những người Nga thường vô tình xuất hiện gần cô ở nơi công cộng và nói to vào điện thoại, như thể để người ta có thể nghe thấy họ. Gessen nói rằng chuyện này chỉ xảy ra với những lần cô đi đến những cuộc hẹn được ghi chú vào trong lịch Google của cô.

Gessen là tác giả một cuốn sách viết về hành trình vươn đến quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cô xem những sự việc như trên là mối đe dọa.

"Nó rất rõ ràng", cô nói. "Đó là chiến thuật truyền thống của KGB (Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô)".

Trong số những nhà báo khác cũng bị tấn công có Josh Rogin, một nhà bình luận của Washington Post và Shane Harris, nhà báo chuyên theo dõi hoạt động tình báo cho The Daily Beast vào năm 2015. Harris nói rằng ông đã chuyển tiếp những email nghi là giả mạo đến một người trong lĩnh vực an ninh, và người này lập tức cho Harris biết rằng mọi chuyện có liên quan đến Fancy Bear.

Trong khi đó, hầu hết nhà báo bị nhắm đến tại Nga là những người làm việc cho các hãng tin độc lập. Ksenia Sobchak là một phát thanh viên truyền hình, nhà báo và gần đây đã tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống Nga vào năm 2018, dù đó là một cuộc đua vô vọng khi Tổng thống Putin gần như chắc chắn sẽ chiến thắng áp đảo.

tin tac Nga hack nha bao anh 3
 Ksenia Sobchak, nhà báo kiêm "ngôi sao" của giới truyền thông, vừa tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống năm sau. Ảnh: AFP.

Phóng viên điều tra Roman Shleynov nói rằng tài khoản Gmail mà ông bị nhắm đến là tài khoản ông sử dụng trong thời gian điều tra Hồ sơ Panama.

Fancy Bear cũng nhắm vào hơn 30 mục tiêu trong giới truyền thông ở Ukraine, trong đó có nhiều nhà báo ở Kyiv Post và một số nhà báo đã tường thuật về chiến sự ở miền Đông Ukarine, nơi lực lượng nổi dậy được Nga hậu thuẫn.

"Ý tưởng (của họ) là nằm hạ thấp uy tín các tiếng nói độc lập ở Ukraine", AP dẫn lời Nataliya Gumenyuk, người sáng lập trang tin Hromadske (Ukraine).

New York Times có vẻ là mục tiêu được yêu thích nhất. Các tin tặc đã cố đột nhập vào tài khoảng Gmail cá nhân của Ellen Barry, người từng là trưởng văn phòng Moscow của New York Times. Hai nguồn tin giấu tin cho biết khoảng 50 đồng nghiệp của Barry đã nhận được email giả mạo vào khoảng thời gian cuối năm 2014.

New York Times xác nhận rằng nhân viên của họ nhận được các tin nhắn giả mạo nhưng không bình luận thêm.

tin tac Nga hack nha bao anh 4
Trụ sở New York Times tại New York. Ảnh: AFP.

Không chỉ "ai" mà còn "khi nào"

AP lưu ý tính thời điểm của những vụ tấn công này. Maria Titizian, một nhà báo người Mỹ, ngay lập tức tìm thấy mối liên hệ giữa ngày mà cô bị tin tặc nhắm đến với công việc của cô. Đó là ngày 26/6/2015.

"Đó là Electric Yerevan", cô nói. Electric Yerevan, hay Không Ăn Cướp, là tên gọi các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá điện mà cô đang theo dõi ở Armenia. Các cuộc biểu tình làm rung chuyển thủ đô của Armenia mùa hè năm đó đã đe dọa đến ảnh hưởng của Nga tại đất nước này.

Titizian nói rằng việc cô lớn tiếng chỉ trích "thái độ đô hộ" của Nga đối với Armenia có thể biến cô thành một mục tiêu.

Một nhà báo khác tên Eliot Higgins nói rằng các email giả tạo chỉ xuất hiện "khi chúng tôi bắt đầu tuyên bố mạnh mẽ về MH17", chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine vào năm 2014 khiến 298 người thiệt mạng. Trang tin Bellingcat của Higgins là một trang web có nguồn mở đã liên tục xuất hiện trong danh sách mục tiêu.

Tính thời điểm rõ ràng nhất phải kể đến trường hợp của Adrian Chen. Ngày 2/6/2015, Chen cho xuất bản một câu chuyện về Internet Research Agency, một công ty được cho có trụ sở tại Nga đã sử dụng các tài khoản giả, dưới danh nghĩa người Mỹ, để truyền bá những lời lẽ thù địch khắp mạng xã hội.

Tám ngày sau khi Chen cho xuất bản bài báo trên, Fancy Bear đã cố gắng đột nhập vào tài khoản của ông ta.

tin tac Nga hack nha bao anh 5
Ekaterina Vinokurova, một trong số ít nhất 200 nhà báo bị tin tặc có liên quan chính phủ Nga tấn công. "Tôi hiểu rằng các tài khoản của mình có thể bị tấn công bất cứ lúc nào", cô nói. Ảnh: AP.

Nhiều nhà báo nói với AP rằng họ biết về mối đe dọa này, một số người nói rằng họ đã thiết lập thêm một lớp bảo vệ cho email và chỉ trao đổi thông qua các ứng dụng nhắn tin được mã hóa như Telegram, WhatsApp hoặc Signal.

Không phải mọi nhà báo đều lo lắng về việc nằm trong đích nhắm của tin tặc. Hai trong số đó là nhà phân tích an ninh của CNN MIchael Weiss và nhà nghiên cứu của Viện Brookings Jamie Kirchick.

"Tôi rất tự hào được nghe việc này", Kirchick nói về việc mình được lọt vào "sổ đỏ" của tin tặc.

Hội đồng Bảo vệ Nhà báo, một tổ chức phi chính phủ trụ sở tại Mỹ, nói rằng mạng lưới rộng rãi những mục tiêu của Fancy Bear cho thấy những nỗ lực của các chính phủ trên khắp thế giới nhằm sử dụng không gian mạng để tấn công các nhà báo.

"Đó là việc tiếp cận các nguồn và đe dọa các nhà báo", giám đốc của hội đồng này, ông Courtney C. Radsch cho biết.

Tại Nga, tổ chức này đã thống kê có 38 vụ sát hại đối với nhà báo kể từ năm 1992 đến nay.

Là một người thường xuyên viết về những phần tối của Internet, Chen biết mọi việc có thể khủng khiếp như thế nào một khi đời sống cá nhân bị phơi bày ra trên mạng xã hội.

"Tôi đã tường thuật về những vụ rò rỉ này nhiều lần", ông nói. "Tôi biết chúng có thể gây ra chuyện gì".

FBI nói hacker Nga tạo tin giả gây khủng hoảng ở Qatar

Các nhà điều tra Mỹ tin rằng tin tặc Nga đã tấn công cơ quan thông tấn quốc gia của Qatar và đăng bài viết giả mạo dẫn tới cuộc khủng hoảng giữa các nước Vùng Vịnh.

Putin: Trump có chiến lược an ninh 'hung hăng'

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích chiến lược an ninh quốc gia mới công bố của Mỹ là chiến lược "hung hăng" và "xúc phạm", ông cáo buộc Mỹ muốn rút khỏi hiệp ước tên lửa.


Phương Thảo

Theo AP

Bạn có thể quan tâm