Hiện tại, ngoài Hà Nội T&T được Kappa tài trợ trang phục thi đấu, không CLB nào ở V.League có tài trợ áo đấu xịn của những thương hiệu tầm cỡ như Adidas, Nike, Puma. Đa số họ đều đặt mua áo đấu tại các cơ sở trong nước hay các cửa hàng thể thao với giá chỉ vài trăm nghìn/bộ.
HAGL tuy nổi đình nổi đám tại V.League, bán áo đấu rất chạy nhưng vẫn chưa tìm được đối tác tài trợ áo đấu lớn. Trang phục mà Công Phượng, Tuấn Anh… mặc được một nhà sản xuất trong nước cung cấp với giá chỉ chừng 200.000 đồng/chiếc. Đồng Nai đặt áo của một cửa hàng thể thao tại khu vực Đầm Sen, TP HCM. Chủ cửa hàng này là mối ruột của nhiều đội bóng, hiện làm giám sát tại V.League.
Cầu thủ Hải Phòng mặc quần có logo thương hiệu của Puma, tất của Adidas. Ảnh: Tùng Lê. |
Trang phục của một số đội bóng khác được thiết kế tùy tiện. Than Quảng Ninh (TQN) mặc áo có “3 sọc” chạy ở vai áo. Đây vốn là biểu tượng thương hiệu của Adidas, được đăng ký bảo hộ độc quyền trên toàn cầu, nhưng ở Việt Nam, nó bị làm nhái khá nhiều. Độc đáo hơn, tất của đội TQN in logo của Nike thay vì Adidas cho đồng bộ. Còn cầu thủ Hải Phòng, họ mang tất của Adidas, quần của Puma. Dĩ nhiên đây không phải là đồ “xịn”, chỉ là đồ nhái lại với giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Adidas có văn phòng và cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhưng họ không tài trợ cho bất cứ một CLB thể thao nào kể từ sau khi bắt tay với đội bóng rổ Saigon Heat vài năm trước. Việc xài hàng nhái tràn lan tại V.League khiến cho không chỉ họ mà các nhãn hàng khác rất e ngại để tính chuyện hợp tác với bất cứ đội bóng nào.
Cầu thủ Quang Hải (áo đỏ) mang tất của Nike và áo có biểu tượng 3 sọc giống hệt của Adidas. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Điều này cũng được chính lãnh đạo các đội bóng V.League thừa nhận. Ông Cao Văn Chóng, Tổng giám đốc công ty cổ phần thể thao bóng đá Bình Dương, cho biết: “Thật sự chúng tôi rất cầu thị trong việc tìm nhà tài trợ trang phục cho đội bóng. Có một số đối tác danh tiếng cũng muốn hợp tác để quảng bá thương hiệu khi B.Bình Dương thi đấu tại AFC Champions League. Nhưng họ đành “lắc đầu” bởi việc xài hàng nhái đã thành thói quen tại Việt Nam”.
Đa số các đội bóng đang chơi tại giải đấu cao nhất của Thái Lan đều có một hãng tài trợ trang phục thi đấu riêng từ FBT (BEC Tero), Grand Sport (Muangthong United, Nakhon Ratchasima, Osotspa), Nike (Chonburi, Bangkok Glass). Ngoài ra còn một số hãng khác như Kool, Kappa, Warrix, Joma, Ari.