Nằm trong chuỗi hoạt động giới thiệu các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp của các nhà văn Pháp gốc Việt, vừa qua Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu các tác phẩm của nhà văn Pháp gốc Việt Anna Moï. Ngoài tác giả và một số bạn bè thân hữu, cùng đại diện từ Trung tâm văn hóa Pháp buổi tọa đàm còn có sự góp mặt của tiến sĩ văn học Pháp- Mauel Bengoéchéa. Ông là người đã từng giảng dạy văn học Pháp ở nhiều trường đại học, đồng thời đứng ra tổ chức các chương trình hỗ trợ dịch thuật, các tọa đàm văn học ở cả Pháp và Việt Nam.
Anna Moï tên thật là Trần Thiên Nga, bà sinh năm 1955, trong một gia đình gốc Bắc vào Nam từ năm 1954. Suốt thời thơ ấu bà đã đi và sống ở nhiều vùng đất như Sài Gòn, Buôn Mê Thuột và Hội An. Những năm 1970, bà sang Paris học lịch sử tại trường đại học Nanterre. Nhưng sự nghiệp của Anna Moï rẽ sang một hướng khác sau cuộc gặp gỡ với hai nhà tạo mẫu Agnès Troublè và Philippe Guibourgé. Bà quyết định trở thành nhà thiết kế thời trang. Do yêu cầu của công việc tạo mẫu, những năm 1980 tác giả đã có khoảng thời gian dài sống và làm việc tại Nhật Bản và Thái Lan. Chính vì thế, Anna Moï có thể sử dụng 5 thứ tiếng: Pháp, Việt, Anh, Nhật và Thái Lan.
Nhà văn Anna Moï. |
Chia sẻ về quá trình sáng tác của mình, tác giả tâm sự bà đã tập tành viết lách từ năm 16 tuổi. Nhưng sau đó đến hơn 20 năm bà không viết gì cả. Đến một ngày, Anna Moï cảm nhận rằng có điều gì đó từ sâu thẳm trong tâm hồn thôi thúc bà viết nên những câu chuyện. Tập truyện ngắn đầu tiên của Anna Moï được xuất bản vào năm 2001.Tính đến nay cây viết nữ đã có một “gia tài” gồm 8 tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết tiếp theo Le Venin du papillon (tạm dịch: Nọc bướm) sẽ được xuất bản vào tháng 1/2017.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Anna Moï dành khá nhiều thời gian để nói về hai cuốn tiểu thuyết đầu tay Riz noir (tạm dịch: Cơm đen) và Rapaces (tạm dịch: Chim săn mồi). Riz noir là câu chuyện bi thương về một người tù chính trị bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo năm 1960. Ý tưởng viết nên cuốn tiểu thuyết này xuất phát từ một chuyến thăm Côn Đảo vào năm 2001 của tác giả. Vì một số trục trặc trong quá trình di chuyển nên bà đã bị kẹt ở Côn Đảo khoảng một ngày. Trong thời gian đó, tác giả có cảm tưởng mình trở thành “tù nhân của thời gian” ở nơi này.
Sau khi rời Côn Đảo, tình cờ Anna Moï lại được gặp hai chiến sĩ cách mạng từng là tù chính trị ở đây. Chính sự trùng hợp ngẫu nhiên, như một “duyên tiền định” đã thôi thúc bà viết nên một tác phẩm hòa quyện giữa những câu chuyện lịch sử và sự tưởng tượng.
Cuốn tiểu thuyết thứ hai Rapaces lại có “độ lùi” lịch sử xa hơn, ngược về những năm kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm được xây dựng dựa trên những bức thư của một vị tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam viết cho vợ ở hậu phương. Là một người sinh ra sau chiến tranh, Anna Moï đã phải nghiên cứu và tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu để viết cuốn sách này. Trong đó có cuốn hồi ký của tướng De Gaucher.
Cuốn tiểu thuyết Rapaces nói về một phần chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Tác giả cho rằng: “Việc viết văn cũng giống như thiết kế thời trang, sự dẫn dắt của cảm xúc là rất quan trọng. Chỉ khi có sự rung cảm thực sự với những câu chuyện mà mình đã được gặp, được nghe, nhà văn mới có thể viết nên một cuốn sách hay”. Tất cả các tác phẩm của bà, từ truyện ngắn cho đến tiểu thuyết đều được tạo tác từ sự rung cảm đó. Tác giả luôn tin rằng chính sợi dây tình cảm này sẽ khiến người đọc cảm nhận sâu sắc các sáng tác của bà. Trong buổi tọa đàm, Anna Moï mong rằng các tác phẩm của bà sẽ sớm được dịch ra tiếng Việt để độc giả trong nước có thể dễ dàng tiếp cận chúng.