Khi thấy một cô gái gần như trọc đầu đang dùng điện thoại chụp ảnh quả chuối dán lên tường tại triển lãm Art Basel ở Miami, Florida, nhiếp ảnh gia Rhona Wise làm công việc hiển nhiên của mình: chụp lại cảnh đó.
Vì quả chuối 120.000 USD trở thành hiện tượng trên toàn thế giới, bức ảnh cô gái trọc đầu được đăng tải trên các báo, bao gồm New York Times và Washington Post, rồi trên các trang web trên khắp thế giới, từ Cuba, Italy, Hy Lạp, đến Trung Đông, Nga, Trung Quốc.
Chú thích chỉ ghi “một người tới triển lãm”.
Nhưng giờ đây, câu chuyện thực sự của cô gái đang dần hé lộ. Hơn nữa, đó lại là một câu chuyện mang lại nhiều suy ngẫm và châm biếm về khoản tiền 120.000 USD được trả cho quả chuối được dán lên tường.
Aruzhan Toleubay đang dùng điện thoại chụp ảnh quả chuối, trong bức ảnh do Rhona Wise chụp lại. Ảnh: EPA. |
Hóa đơn trị liệu bằng hai quả chuối
Người trong ảnh là sinh viên 20 tuổi, Aruzhan Toleubay, và cô bị rụng tóc vì đang trị liệu bằng hóa chất. Gần đây, cô buộc phải dừng điều trị, dù bệnh viện bắt buộc phải tiếp tục, vì cô đã vượt quá hạn mức mà bảo hiểm có thể chi trả cho cô.
Hóa đơn gần nhất của cô lên tới 201.987,85 USD, và đó mới chỉ là hóa đơn gần nhất.
Bức ảnh của cô “đã đưa ra vấn đề lớn hơn để suy ngẫm, không phải về nghệ thuật là gì, mà là sự sống đáng giá bao nhiêu, nên chi trả bao nhiêu để giữ lấy sự sống”, Lorna Baez, người tư vấn sinh viên quốc tế tại Đại học Florida International, viết trên trang GoFundMe kêu gọi quyên góp ủng hộ cô.
Toleubay, cô sinh viên 20 tuổi trong ảnh, đồng ý kể câu chuyện cho New York Times, nhưng cũng khẳng định cô không có ý chỉ trích một ai - từ Bệnh viện Đại học Miami mà cô chi trả tiền, công ty bảo hiểm, đến quả chuối 120.000 USD hay nghệ sĩ đã sáng tạo ra nó.
“Thật thú vị khi mỗi người nhìn nghệ thuật một cách khác nhau. Cho tôi rất nhiều cảm hứng”, Toleubay nói về tác phẩm của nghệ sĩ Maurizio Cattelan. “Ông ấy là nghệ sĩ trào phúng, nên đó là cách thể hiện của riêng ông”.
Cô gái người Kazakhstan lạc quan về trang gây quỹ được lập ra cho cô. Nếu vài người sẵn sàng bỏ ra 120.000 USD hoặc hơn để mua một quả chuối, thì chắc chắn sẽ có nhiều người sẽ giúp cô chi trả viện phí, cô nói với New York Times.
Aruzhan Toleubay, 20 tuổi, tại trường đại học. Ảnh: New York Times. |
Bảo hiểm ngừng chi trả, dù bác sĩ yêu cầu điều trị
Toleubay chuyển từ Kazakhstan tới Mỹ năm 2016 để học quản trị du lịch ở Đại học Florida International, cơ sở Miami. Tháng 4, cô có những triệu chứng cảm và bị đau ở thân dưới. Cuối cùng, bác sĩ chẩn đoán cô mắc bệnh bạch cầu lympho bào cấp tính (ALL - acute lymphoblastic leukemia).
“Ông nói vậy là sao”, cô nhớ mình đã nói với bác sĩ.
Cô muốn về nước, nhưng bác sĩ nói cô đã quá yếu để có thể làm vậy.
Mẹ của cô, người bị mất việc vào năm ngoái sau tai nạn xe hơi, đã bán nhiều tài sản của gia đình, bao gồm xe hơi và căn hộ, để tới Florida ở cùng con gái.
Căn bệnh ung thư máu của cô đã di căn, và tình hình sức khỏe của cô đã nguy kịch. Cô nhập viện 40 ngày vào mùa xuân năm nay, nhưng đã hồi phục đủ để học hai lớp vào kỳ mùa thu cuối năm.
Sau đó hóa đơn bắt đầu được gửi đến. Cô nhận ra bảo hiểm của mình có hạn mức là 500.000 USD.
Cô được Đại học Florida International trao học bổng tiền học phí, nhưng mỗi đợt hóa trị sắp tới sẽ tiêu tốn 34.000 USD, và bảo hiểm đã ngừng chi trả. Cô vẫn đang nợ 205.000 USD. Cô đã phải dừng điều trị ba tuần trước, dự định tiếp tục vào tháng 1 khi bảo hiểm tính sang năm mới.
Nhưng bệnh viện vừa thông báo cô phải tiếp tục điều trị, và Toleubay vẫn chưa biết sẽ chi trả thế nào.
Trang GoFundMe kêu gọi quyên góp cho cô được lập từ tháng 5 và đã nhận được 25.000 USD. Trong đó, một giáo viên của cô đã gửi một khoản tiền lớn.
Quả chuối dán lên tường, có tựa đề “Nghệ sĩ hài” được đám đông thích thú vây quanh, chụp selffie, tại triển lãm Art Basel ở Florida, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
“Một bên là giá trị sự sống, một bên là giá trị nghệ thuật”
Toleubay làm tình nguyện ở triển lãm Art Basel, và khi nhận ra Toleubay được chụp ảnh, bạn bè của cô đã mong dùng câu chuyện quả chuối nghệ thuật và cái giá khổng lồ mà người ta trả cho nó để tiếp tục truyền đi câu chuyện của Toleubay, với hashtag là #TheRealBananaStory (ý nói câu chuyện của cô mới là câu chuyện đáng nhận được chú ý xoay quanh quả chuối).
“Tôi nghĩ nếu mọi người biết câu chuyện thật về bức ảnh, chúng tôi có thể nỗ lực để cùng cô ấy chi trả viện phí đang giúp cô ấy giành lấy sự sống”, bà Baez, quan chức của trường phụ trách sinh viên quốc tế, cho biết.
Cô sinh viên 20 tuổi người Kazakhstan luôn tỏ ra lạc quan, và nói một cách hào hứng về dự định đang ấp ủ sẽ học tổ chức sự kiện (event planning).
“Ảnh của tôi trở nên viral (lan truyền rộng rãi), nhưng tôi không thấy phiền”, cô nói. “Bạn của tôi nói thật khó hiểu. Phải, tất nhiên là vậy, một bên là giá trị sự sống, một bên là giá trị nghệ thuật”.
Tác phẩm quả chuối có tựa đề “nghệ sĩ hài” của ông Cattelan có ba phiên bản, hai phiên bản đầu đã được bán với giá 120.000 USD, phiên bản thứ ba đang được rao bán tới 150.000 USD.
Diễn biến bất ngờ sau đó - một nghệ sĩ trình diễn bỗng lấy quả chuối xuống ăn, và coi đó là màn trình diễn của mình - càng khiến quả chuối nổi tiếng hơn. Đến mức triển lãm Art Basel ở Miami phải quyết định gỡ tác phẩm xuống, lấy lý do đám đông khó kiểm soát.