Một nghiên cứu sử dụng công nghệ vệ tinh đã cho phép các nhà khoa học đo lường mức độ thiệt hại trên diện rộng đối với những vùng than bùn ở Đông Nam Á, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thu giữ và giảm thiểu khí thải carbon.
Các vệ tinh inSAR lần đầu được sử dụng để quét những thảm thực vật rộng lớn - 2,7 triệu ha đất bùn, chủ yếu ở Indonesia và Malaysia. Các nhà khoa học sẽ phải mất rất nhiều công sức và đối mặt với nhiều khó khăn về mặt địa lý lẫn địa hình nếu thực hiện các phép đo lường mức độ thiệt hại này theo phương pháp thông thường.
Than bùn là kết quả của quá trình tích tụ chất hữu cơ ở những vùng đất ngập nước tự nhiên. Loại vật chất này lưu trữ một lượng lớn carbon, khi đất bị suy thoái thì lượng carbon này được thoát vào khí quyển. Khoảng 6% lượng khí thải CO2 toàn cầu hàng năm được giải phóng từ các vùng đất than bùn bị suy thoái.
Bản đồ dựng bởi các nhà khoa học ở MIT và Singapore cho thấy những vùng than bùn ở Đông Nam Á đang bị tàn phá ở mức độ đáng báo động.
Dữ liệu từ vệ tinh giúp dựng bản đồ mức độ thiệt hại của những khu vực đất bùn. Ảnh: Alison Hoyt. |
90% các vùng đất than bùn được khảo sát đang chìm xuống, trung bình 2,24 cm mỗi năm và lên đến 5 cm ở một số khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc những khu vực giàu carbon này đang cạn và khô đi nhanh chóng, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn quét qua các khu vực này.
Các kết quả từ vệ tinh cho thấy hiện trạng đất bùn ở khu vực Đông Nam Á rất đáng lo ngại, đặc biệt là đối với Indonesia vì khoảng 70% diện tích đất than bùn ở khu vực tập trung tại nước này. Những vụ cháy rừng ở Indonesia diễn ra thường xuyên, đe dọa sức khỏe của người dân và phá hủy những vùng đất hoang sơ đang được bảo tồn, đặc biệt là ở Sumatra và Kalimantan.
Lượng khí carbon thải ra từ than bùn bị thoái hóa cộng với nhiều đám cháy lan rộng ở những khu vực kể trên biến Indonesia thành nước có lượng khí thải CO2 nhiều thứ tư trên thế giới vào năm 2015.
“Lượng CO2 thải ra mỗi năm từ những vùng than bùn bị thoái hóa ở Malaysia và Indonesia còn lớn hơn nhiều so với tổng phát thải nhiên liệu hóa thạch từ Singapore”, ông Charles Harvey, giáo sư khoa Dân sự và Kỹ thuật môi trường tại MIT, trả lời Channel NewsAsia.
Nghiên cứu chỉ ra rằng không chỉ những đồn điền lớn mà cả những hoạt động canh tác ở quy mô nhỏ hơn cũng gây ra sự sụt lún nghiêm trọng kể trên.
Biến đất than bùn thành đất nông nghiệp: lợi bất cập hại
Chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang đề xuất chuyển đổi một khu vực đất bùn rộng khoảng 164.000 ha ở Trung Kalimantan thành đất nông nghiệp. Đề xuất này tương tự với một kế hoạch vạch ra vào giữa thập niên 1990, dẫn đến việc giải phóng một diện tích khổng lồ nhằm phục vụ nông nghiệp và làn sóng di cư của nông dân nội địa, nhưng sản lượng lương thực lại không được như kỳ vọng.
Lúa vốn không thích hợp để sinh trưởng trên đất than bùn, chỉ có thể phát triển một khi đất được phát quang và rút hết nước. Nhưng quá trình này vừa tốn kém lại dễ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Tồn tại rất nhiều bất cập trong việc chuyển đổi đất bùn thành đất nông nghiệp. Ảnh: Jack Board. |
Nyoman Suryadiputra, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Wetlands International, là “nhân chứng sống” cho những khó khăn và thất bại của mô hình chuyển đổi đất bùn thành đất nông nghiệp. Trong quãng thời gian làm việc ở Borneo, ông từng chứng kiến những cánh rừng bị phá hủy, còn nông dân thì chuyển sang làm lâm tặc vì mô hình chuyển đổi thất bại và sản lượng nông sản không đủ để nuôi sống họ và gia đình.
Ông không muốn lịch sử lặp lại lần nữa, nhưng ngờ rằng chính phủ Indonesia sẽ phạm sai lầm tương tự như trong quá khứ.
Việc dự án chuyển đổi vùng đất giàu than bùn ở Papua thành “lò sản xuất lương thực của Indonesia” vào năm 2011 cũng là minh chứng cho thấy ý tưởng biến những khu vực đất bùn thành đất nông nghiệp không đem lại kết quả khả quan lắm.
“Đây không đơn thuần là bài toán kinh tế mà còn là vấn đề nghiêm trọng đối với hệ sinh thái. Tình trạng hiện tại vốn dĩ đã rất tệ, nên nếu chúng ta mắc lỗi tương tự nhiều năm về trước, mọi thứ sẽ còn tệ hơn. Ý tôi là rất tệ, nhiều khả năng dẫn đến thảm họa trong thời gian dài,” ông Suryadiputra nói.
Lời hứa và hành động
Năm 2016, Tổng thống Widodo thành lập Cơ quan bảo tồn khu vực đất (BRG) bùn nhằm cải tạo 2,5 triệu ha đất than bùn của Indonesia trong vòng 5 năm. “Tôi yêu cầu cơ quan này thiết lập và thực thi những kế hoạch cụ thể để cho thế giới thấy rằng chúng tôi nghiêm túc trong việc khắc phục thiệt hại đối với rừng và đất bùn,” Tổng thống Jokowi trả lời phóng viên.
Nhưng cho đến cuối năm 2018, BRG cho biết họ mới chỉ cải tạo được khoảng 700,000 ha. Ông Harvey, người đứng đầu cơ quan này, trao đổi với báo giới: “Quá trình bảo tồn và cải tạo đất bùn không phải là chuyện một sớm một chiều. Dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy quá trình sụt lún đang chững lại, một điều chắc chắn rằng BRG đang đi đúng hướng”.
Đầu tuần này, Tổng thống Jokowi đã nhắc nhở giới chức địa phương phải duy trì mực nước ngầm nhằm giữ cho vùng đất than bùn ẩm ướt.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Facebook. |
Tỷ lệ phá rừng ở Indonesia cũng giảm đáng kể trong vài năm trở lại đây, đặc biệt giảm xuống mức thấp nhất vào năm ngoái kể từ năm 2003. Tuy vậy, Indonesia vẫn là nước có diện tích rừng bị đốn hạ nhiều thứ ba trên thế giới vào năm 2019 theo dữ liệu từ Viện tài nguyên thế giới. Cụ thể, 324,000 ha rừng nguyên sinh của quốc gia vạn đảo đã bị đốn hạ.
Ngoài ra, dữ liệu vệ tinh còn cho thấy trong khi tài nguyên than bùn tiếp tục suy thoái ở mức đáng lo ngại, những người trực tiếp gây ra sự thoái hóa của những khu vực này vẫn chưa bị trừng phạt.
Một cuộc điều tra hồ năm ngoái do Greenpeace tiến hành cho thấy không có biện pháp xử phạt dân sự hoặc hành chính nghiêm trọng nào được đưa ra đối với mười công ty dầu cọ chịu trách nhiệm cho những vụ cháy lớn thiêu rụi những khu vực giàu than bùn từ năm 2015 đến 2018.
“Những vụ cháy trên đất than bùn xảy ra hàng năm là minh chứng cho việc chính phủ không tiếp tục thực hiện cam kết chấm dứt phá rừng và hủy hoại đất bùn,” ông Nikolmadya Maharuddin, thành viên thuộc Greenpeace Indonesi, khẳng định.
“Hai thập kỷ tàn phá rừng và đất than bùn đã biến một phần của Indonesia thành một quả bom carbon khổng lồ,” ông nói thêm. “Giữ nguyên diện tích đất than bùn còn lại là ưu tiên hàng đầu, cùng với việc khôi phục lại vùng đất than bùn bị suy thoái bằng cách phục hồi và cải tạo sẽ làm giảm đáng kể khả năng xảy ra hỏa hoạn”.