Phương Tây đang lo ngại trước các hoạt động tăng cường quân sự của Nga ở Kaliningrad. Đầu năm nay, một số ảnh chụp từ trên không cho thấy Nga đã hiện đại hóa đáng kể một hầm chứa vũ khí hạt nhân ở vùng này.
Ảnh chụp vệ tinh và phân tích mới nhất của công ty ImageSat International xác nhận các hoạt động xây dựng và hiện đại hóa quy mô lớn đang được tiến hành tại ít nhất 4 cơ sở quân sự trong khu vực, theo CNN.
Những hình ảnh vệ tinh từ 19/7 đến 1/10 cũng ghi nhận hoạt động tại cơ sở chứa vũ khí hạt nhân Kaliningrad.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy dấu hiệu hoạt động nâng cấp tại một boongke ngầm, có thể được dùng để chứa vũ khí hạt nhân tại Kaliningrad. Ảnh: iSi. |
Một loạt ảnh chụp vệ tinh khác cho thấy Nga đang xây thêm gần 40 boongke mới, tăng khả năng nhận hàng hóa hậu cần tại một nhà kho quân sự gần Primorsk, cảng lớn thứ 2 của Nga ở biển Baltic.
Những boongke mới này được xây quanh khu vực hầm cũ, được vệ tinh lần đầu phát hiện vào 18/7. Việc xây dựng hoàn tất không quá 10 tuần sau.
Ở phía bắc Kaliningrad, ảnh chụp vệ tinh cho thấy căn cứ quân sự Chkalovsk dường như đã được nâng cấp, với một tuyến đường sắt và hệ thống hỗ trợ hạ cánh mới cho phép máy bay quân sự đáp trong tình trạng thời tiết xấu.
Ảnh chụp vệ tinh nhà kho quân sự tại Kaliningrad. Ảnh: iSi. |
Căn cứ quân sự Chernyakhovsk, “mái nhà” của lữ đoàn tên lửa 152, cũng được nâng cấp.
Tháng 2, căn cứ này đã tiếp nhận thêm tên lửa Iskander khiến Mỹ lo ngại về các bước hiện đại hóa quân sự của Nga, đặc biệt khi vùng Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và vùng Baltic được xem là cửa ngõ của Nga với NATO.
Ảnh chụp vệ tinh căn cứ của Lữ đoàn tên lửa 152, quân đội Nga, đóng tại Kaliningrad. Ảnh: iSi. |
“Kaliningrad rất quan trọng đối với người Nga vì đó là nơi đặt cảng thông ra biển Baltic”, Đô đốc James G. Foggo, tư lệnh Hải quân Mỹ tại châu Âu – châu Phi và lãnh đạo Bộ tư lệnh Liên quân Đồng minh tại Naples, cho biết.
“Nếu người Nga muốn thách thức, chúng ta sẽ đáp trả. Chúng ta sẽ không chịu bị đe dọa bởi những hệ thống quân sự mà họ mới triển khai tại đây”, ông nhấn mạnh.
Nhiều quan chức quốc phòng Mỹ cho biết họ rất quan ngại trước việc Nga phát triển năng lực “chống xâm nhập/chống tiếp cận” (A2/AD), triển khai các hệ thống vũ khí làm giảm khả năng hoạt động tự do của NATO tại khu vực.
Một số vũ khí hiện đại được bố trí ở Kaliningrad cũng nằm trong hệ thống này, bao gồm tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không và radar.
Căn cứ không quân Chkalovsk cũng được nâng cấp đường băng. Ảnh: iSi. |
Các hình ảnh mới được ImageSat đăng tải đã củng cố thêm cho kết luận công bố hồi tháng 6/2018 của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS), cho rằng Nga đang hiện đại hóa đáng kể các kho chứa vũ khí hạt nhân kể từ năm 2016.
Hans M. Kristensen, giám đốc phụ trách thông tin hạt nhân ở FAS, nói những boongke ngầm mới được hiện đại hóa của Nga có thể chưa tiếp nhận vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ được vũ trang nhanh chóng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng an ninh.