Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ảnh vệ tinh cho thấy 'hồ ma' ở California xuất hiện trở lại

Những hình ảnh mới cho thấy sự xuất hiện trở lại của hồ Tulare ở California (Mỹ), giữa lúc người dân chuẩn bị đối phó lũ lụt khi băng tuyết bắt đầu tan chảy.

Hàng nghìn con bò đã bị mất tích do lũ lụt ở lưu vực hồ Tulare. Ảnh: AP.

Những hình ảnh vệ tinh mới do NASA công bố trong tuần này cho thấy sự xuất hiện trở lại của hồ Tulare ở California, theo Guardian.

Được chụp từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4, và thêm màu sắc để phân biệt nước với thảm thực vật, mặt đất trống, hình ảnh này làm nổi bật quy mô của sự biến đổi trên khắp khu vực California. Nơi này vẫn đang vật lộn với hậu quả của mưa lớn và tuyết rơi trong mùa đông năm nay.

Đây không phải là lần đầu tiên “hồ ma” xuất hiện cùng với lũ lụt trên diện rộng, nhưng sự tấn công dữ dội của thời tiết khắc nghiệt kéo theo nhiều thiệt hại lớn cho cư dân, người lao động nông nghiệp và trang trại. Tồi tệ hơn, điều này còn kéo dài.

“Vừa vui vừa buồn”

Bao phủ bởi những đỉnh núi phủ trắng Sierra Nevada, khu vực ở California sẽ phải đối mặt với đợt tuyết tan và một lượng nước lớn đổ vào các tuyến đường thủy khi thời tiết ấm lên.

Vào hôm 11/5, lớp tuyết ở miền Nam Sierra dày hơn đến 436% so với mức bình thường vào cùng thời điểm trong năm, theo cơ quan Thủy lợi (DWR) của California.

Giám đốc DWR, Karla Nemeth, cho biết trong tuyên bố bằng văn bản rằng: “Mưa tuyết khổng lồ năm nay đang đặt ra nguy cơ lũ lụt liên tục ở Thung lũng San Joaquin”. Đồng thời, bà cũng đề cập đến kết quả “vừa vui vừa buồn” sau nhiều năm hạn hán.

Lũ lụt xảy ra sau nhiều năm hạn hán nghiêm trọng cho thấy thời tiết khắc nghiệt điển hình ở bang California, dao động giữa hình thái quá ẩm ướt và quá khô. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể làm cho các trạng thái cực đoan trở nên dữ dội hơn.

ho ma o California anh 1

Hình ảnh vệ tinh của NASA cho thấy khu vực lũ mở rộng ở lưu vực hồ Tulare. Ảnh: NASA.

Bà Nemeth cho biết băng tuyết sẽ dẫn đến dòng chảy lớn kéo dài qua các lưu vực San Joaquin và Tulare trong vài tháng.

Thiệt hại trên diện rộng đã diễn ra. Nước dâng cao nhanh chóng đã dẫn đến các cuộc sơ tán khắp khu vực vào đầu mùa xuân, buộc cộng đồng cư dân đổ xô lên vùng đất cao hơn.

Ở hạt Tulare - một trong những vùng sản xuất sữa lớn nhất thế giới - hàng nghìn con bò đã bị mất tích vì lũ lụt, trong khi khoảng 75.000 con được kéo đến nơi an toàn.

Nước cũng cuốn trôi các loại cây trồng chính và người lao động nông nghiệp mất việc làm trên khắp thung lũng ngập nước.

Nguy cơ

“Hồ ma” Tulare nằm tại hạt Tulare, thung lũng Central Valley và từng là hồ nước ngọt lớn nhất ở miền Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, nước hồ cạn dần do khu vực này được phát triển cho nông nghiệp và các con sông được chuyển hướng để phục vụ tưới tiêu.

Nhiều thập kỷ trôi qua sau đó, Tulare trở thành vùng đất ngập nước trải dài trên gần 2.071 km2.

Được đào đắp bằng các con kênh và dọn sạch để lấy đất trồng trọt, đồng cỏ chăn nuôi vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, lưu vực này hiện trải dài trên nhiều hạt và là nơi sinh sống của khoảng 4 triệu người dân California.

Khu vực cũng sản xuất một tỷ lệ đáng kể nguồn cung hạnh nhân, quả hạt dẻ cười, sữa và trái cây tại Mỹ.

Tuy nhiên, một số thị trấn hiện đối mặt nguy cơ bị lũ lụt, bao gồm cả Corcoran - nơi các quan chức thành phố đang gấp rút nâng cao một con đê trước khi nước tiếp tục dâng.

ho ma o California anh 2

Các con đường và trang trại đang bị ngập lụt bên ngoài Corcoran, California. Ảnh: New York Times.

Trải dài hơn 23 km, con đê bảo vệ chống lại nước lũ này cao hơn 57 m. Tuy nhiên, vào tháng 3, mực nước hồ Tulare đã tăng lên gần 54,2 m.

“Cộng đồng Corcoran chỉ có một khoảng thời gian ngắn với điều kiện khô ráo trước khi lượng tuyết tan chảy từ dãy núi Sierra Nevada hòa với dòng nước lũ hiện có ở Hồ Tulare, và chống lại đê Corcoran”, nhà chức trách đưa ra cảnh báo vào tháng 4.

Họ nói thêm tuyết tan “được dự đoán làm tăng lượng nước trong hồ Tulare lên mức cao nguy hiểm, làm tăng đáng kể nguy cơ tràn và xói mòn trên đê Corcoran”.

Hình ảnh vệ tinh của NASA cũng cho thấy những khu vực mà các nhà quản lý đang cố gắng chuyển hướng dòng chảy tới, để lấp đầy các ao hồ, cho phép nước thấm xuống lòng đất và cung cấp cho tầng ngậm nước cạn kiệt.

DWR đã bắt đầu công việc khẩn cấp để bơm dòng chảy lớn của sông ra khỏi vùng ngập lũ, vào các chỗ trũng như trên.

Thế nhưng, cùng với việc củng cố con đê và các biện pháp bảo vệ khác, một số người lại ủng hộ việc hồi sinh một phần Hồ Tulare vĩnh viễn.

Họ thúc đẩy việc chuyển hướng nhiều lượng nước hơn vào lòng hồ lịch sử trước khi tuyết tan, lập luận việc làm ngập lưu vực này sẽ giúp giảm bớt lũ lụt ở thượng nguồn.

“Năm nay sẽ chứng kiến lượng nước kỷ lục chảy vào Central Valley giữa Fresno và Bakersfield”, cư dân Martin Chavez viết trong bản kiến ​​nghị trực tuyến được hàng trăm người ký tên. “Cộng đồng ở tuyến đầu sẽ phải đối mặt trước tiên với mối đe dọa này, vì nước được dẫn xuống hạ lưu các hồ chứa đang căng thẳng”.

Dù vậy, bất cứ sự thay đổi nào trong khu vực sẽ không đến nhanh chóng, hoặc ít nhất là dễ dàng. Hầu hết đất đai thuộc sở hữu tư nhân và ngành nông nghiệp chiếm ưu thế không muốn nhìn thấy thêm những cánh đồng bông, cà chua và quả hạt dẻ cười có giá trị cao ngập trong nước.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.

Vật được làm mờ đáng chú ý trong bức ảnh mới của ông Kim Jong Un

Vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Triều Tiên được cho là đã xuất hiện thoáng qua trong các bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong Un đi thị sát.


Hồ ở California cạn trơ đáy, để lộ 'Con tàu ma' bí ẩn

Sự xuất hiện của một con tàu đổ bộ từ thời Thế chiến II tại hồ Shasta thuộc bang California đang khiến nhiều chuyên gia cảm thấy bối rối, Guardian đưa tin.

Kiếm 1.500 USD/ngày nghỉ lễ nhờ vớt điện thoại rơi xuống hồ

Một thợ lặn Trung Quốc trung bình kiếm được khoảng 4.400 USD mỗi tháng nhờ công việc tìm và lấy lại những vật có giá trị mà du khách đánh rơi xuống nước khi đến Tây Hồ.

Minh An

Bạn có thể quan tâm