Marie Laure, cô gái nhỏ người Pháp, năm lên 6 tuổi không may bị mù. Cha cô là thợ khóa và là người nắm giữ chìa khóa của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, ông làm cho cô một mô hình thu nhỏ của khu phố để cô có thể dễ dàng đi lại và tìm được đường về nhà.
Werner cậu bé mồ côi người Đức sống trong khu mỏ than, cậu bé là một thiên tài và có niềm say mê đặc biệt với việc sửa chữa các thiết bị thông tin. Chính nhờ tài năng ấy cậu được vào Học viện Quân sự Hitle.
Nhưng chiến tranh đã làm đảo lộn cuộc sống của hai con người trẻ tuổi này. Marie Laure mất đi người cha thân yêu của mình, cô sống trong niềm đau khổ và niềm thương nhớ với cha. Đối với cô chỉ có những lần được đi ra bãi biển Môle nhúng đôi chân trần của mình xuống dòng nước lạnh băng, lúc đó cô mới có được khoảng thời gian ngắn ngủi thôi không nghĩ về người cha yêu quý của mình.
Tác phẩm Ánh sáng vô hình của nhà văn Anthony Doerr. |
Hai con người ở hai đầu chiến tuyến nhưng cái cách họ gặp nhau và đối xử với nhau cho ta thấy được tình người trong chiến tranh. Họ cùng nhau giúp đỡ nhau vượt qua những ngày tháng khốc liệt của bom đạn.
Cuốn tiểu thuyết viết rất hay về những chiếc điện đài, những mảnh vỏ ốc, thành phố Breton của Saint-Malo, về viên kim cương truyền thuyết và cái cách con người cố gắng đối tốt với nhau bất chấp bao khó khăn xung đột.
Ngòi bút tinh tế, giàu cảm xúc, đậm chất Mỹ của Anthony Doerr đã kết nối thành công suy nghĩ chân thực của hai nhân vật trẻ tuổi trong cuộc chiến tranh tàn khốc với độc giả. Ánh sáng vô hình cho thấy khả năng cảm nhận nhạy bén về những chi tiết vật lý và những phép ẩn dụ bóng bẩy của Anthony Doerr thật kinh ngạc. 10 năm cầm bút, tác phẩm này là một kiệt tác nghệ thuật, một cuốn tiểu thuyết vô cùng cảm động.
Tác phẩm cũng lọt vào danh sách 10 cuốn sách hay nhất năm 2014 của New York Times và được Hudson Booksellers chọn là Cuốn sách của năm 2014. Năm 2015, cuốn sách được trao giải thưởng danh giá Pulitzer cho tiểu thuyết hư cấu. Hãng phim 20 th Century Fox cũng đã nhanh chóng mua lại bản quyền phim của cuốn tiểu thuyết này.
Cuốn sách được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao về nội dung, lẫn giá trị nghệ thuật. Đây được coi là cuốn sách tốn nhiều giấy mực nhất của giới phê bình văn học.