Đơn giản bởi đây không phải là lần đầu tiên phi công và tiếp viên bị cảnh sát nước ngoài bắt vì buôn lậu!
Tang vật giấu trong giày của cơ trưởng - Ảnh: Yonhap News |
Dù cho, xét đến cùng, máy bay cũng chỉ là một phương tiện chuyên chở, nhưng máy bay lại cũng là một bộ mặt quốc gia. Bóng máy bay bay qua bầu trời lại còn có tác dụng nuôi lớn những giấc mơ.
Đã có doanh nhân kể rằng những nỗ lực học tập, làm việc của anh bắt đầu từ những đêm nằm giữa sân nhà, đăm đăm nhìn lên trời chờ một chiếc máy bay.
Đã có rất nhiều cậu bé được nuôi lớn với bài hát mang ước mơ: “Anh phi công ơi, anh bay trên trời/ Anh nghiêng đôi cánh bóng như gương soi...”. Cũng đã có rất nhiều cô gái sung sướng bày tỏ “ước được làm tiếp viên hàng không”.
Đã có bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu ý kiến bàn luận xoay quanh màu sơn trên cánh máy bay, kiểu dáng đồng phục của tiếp viên, bài hát phát trên loa khi chờ đợi, nụ cười của thành viên phi hành đoàn...
Chiếc máy bay, cô tiếp viên, anh phi công, rất có thể sẽ là người Việt Nam (VN) đầu tiên, khung cảnh VN đầu tiên mà một khách nước ngoài được gặp và để lại cho họ ấn tượng đầu tiên về VN.
Cách đây mấy tháng, khi có tin phi công VNA than phiền, xin nghỉ việc vì lý do lương thấp, đã nhiều người lên tiếng cảm thông với những áp lực rất lớn của nghề, và đồng ý rằng lương trên 100 triệu đồng/tháng chưa phải là cao. Nhưng như thế nào là cao, là xứng đáng thì không ai biết được, khi mà VN chỉ mới thoát khỏi nhóm nước nghèo.
Bao nhiêu mới đủ để thỏa mãn? Các mức chế tài, phạt hình sự đã được pháp luật quy định đầy đủ. Những đòi hỏi, yêu cầu, mong muốn về đạo đức cũng đã được giáo dục, tuyên truyền, được nói, được nghe gần suốt cuộc đời. Một quy định có vẻ thừa thãi như “phi hành đoàn không được mang vali lớn” cũng đã được ban hành. Còn cần gì nữa?
Mọi giải pháp, cuối cùng cũng vẫn là con người. Mang tháp nhu cầu con người của Maslow áp vào với vai trò của một phi công, sẽ thấy trong năm tầng nhu cầu, một người phi công đã được thỏa mãn đầy đủ bốn tầng: nhu cầu căn bản thể lý; nhu cầu an toàn về công việc, sức khỏe, gia đình; nhu cầu có cộng đồng, có tình cảm, được tin cậy; nhu cầu được quý mến, tôn trọng. Tầng cuối cùng, cao nhất: tự thể hiện bản thân.
Và thay vì phát huy sáng tạo, thể hiện khả năng của mình để được công nhận, được đóng góp vào sự phát triển, anh phi công đã thể hiện bằng cách mang lậu vàng dưới đế giày.
Khi bị phát hiện, tất nhiên, những gì đã đạt được sẽ lần lượt mất. Đếm ngược xuống, mới thấy những gì đã bị đánh đổi là lớn biết chừng nào. Giờ đây, có lẽ anh ta đã thấm thía, đã tiếc, đã đau, nhưng anh phi công hôm nay lại chẳng phải người đầu tiên phải thấm thía, phải đau, phải tiếc.
Mượn một câu đã trở nên quen thuộc: thưa “những đồng chí chưa bị lộ”, các anh chị đừng đảo lộn chính tháp nhu cầu của mình, đừng đánh mất những giá trị mình đã có. Đừng để một vài con sâu làm xấu bộ mặt quốc gia như thế!