Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận xác nhận, trưa 16/4 Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thông báo cho Bộ chỉ huy Biên Phòng tỉnh về thông tin hai máy bay Su-22 gặp sự cố trên vùng biển tỉnh này.
Theo đó, khoảng 11h30, biên đội Su-22 (thuộc Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370) cất cánh tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận) để tập luyện. Trong tập luyện, máy bay gặp sự cố, cách đảo Phú Qúy 8 hải lý về phía tây bắc. Hai phi công đã nhảy dù.
Bộ chỉ huy biên phòng Bình Thuận đã điều động tàu Biên phòng 11-1901 từ cảng Phú Quý ra khu vực biển nghi ngờ máy bay gặp nạn và thông báo đến các tàu thuyền quanh đó.
Đến 12h, 10 cán bộ, chiến sĩ ra đến nơi. Lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 3 thùng dầu.
Su-22 thuộc biên chế Trung đoàn không quân 937 trong một chuyến huấn luyện. Ảnh: Quân đội nhân dân. |
Xác nhận với PV, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân cho biết, hai máy bay đang rà soát trên vùng biển Bình Thuận để tìm kiếm tung tích các chiến đấu cơ Su-22 mất tích cũng như các phi công gặp nạn.
Trung đoàn 937, đóng tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo và thềm lục địa từ vĩ tuyến 13 trở vào; trong đó, ưu tiên đặc biệt là bảo vệ khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực Nhà dàn DK thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hai chiếc Su-22 cất cánh từ sân bay quân sự Thành Sơn ở Ninh Thuận vào sáng 16/4. Sau đó đến 10h40 thì mất tín hiệu liên lạc với mặt đất.
"Đến 16h40, lực lượng tìm kiếm chưa xác định được vị trí 2 máy bay gặp nạn cũng như khu vực mà 2 phi công mà được cho là đã nhảy xuống biển", thiếu tướng Tuấn cho hay.
Về thông tin hai máy bay va vào nhau khi luyện tập, thiếu tướng Tuấn nói: “Đến nay chúng tôi chỉ xác định là 2 máy bay mất liên lạc và đang tổ chức tìm kiếm".
Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh văn phòng Ủy ban PCLB - TKCN tỉnh Bình thuận cho biết, đến 17h30, chưa có thông tin gì thêm về tình hình hai phi công máy bay Su-22 gặp nạn.
Khu vực máy bay rơi. |
Sukhoi Su-17/Su-22 là loại máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe phát triển từ Su-7. Chiến đấu cơ này chính thức được Liên Xô giới thiệu năm 1970 và sản xuất hàng loạt trong giai đoạn 1969-1990.
Su-22 có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng giống nhau ở một điểm là loại máy bay một động cơ, có thể bay với tốc độ vượt âm thanh. Hầu hết Su-22 chỉ có một chỗ ngồi dành cho phi công, nhưng cũng có loại hai chỗ ngồi tên gọi U-Su-22 vừa dành cho huấn luyện vừa chiến đấu.
Phiên bản hiện đại nhất là Su-22M4. Đây là loại máy bay tiêm kích bom, chủ yếu để tấn công tiêu diệt các vị trí cố định và di động chậm trên mặt đất, mặt nước như các loại tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu tiếp liệu, tàu sân bay, tàu ngầm...